Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Chủ nhật, 19 Tháng 5, 2024 - 23:30

Vai trò của quyền tiếp cận thông tin trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Chính trị Bến Tre

CN. Lê Thị Huỳnh Thu Hà
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 

Thông tin có vai trò vô cùng quan trọng: Đối với mỗi cá nhân, thông tin là cơ sở hình thành tri thức, ý thức, tác động đến sự phát triển không chỉ về trí tuệ mà cả về đạo đức, tinh thần và thể chất của con người. Đối với mỗi quốc gia, thông tin là cơ sở để vận hành nhà nước và đưa đất nước phát triển bền vững. Tiếp cận thông tin vừa là quyền chính trị, vừa là quyền có tính dân sự của mỗi công dân được ghi nhận trong Hiến pháp.

Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra. Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản[1]. Đây là yếu tố quyết định cho cơ hội phát triển, thành đạt và tự chủ của mỗi quốc gia, tổ chức và mỗi cá nhân. Bởi vì, thông tin là công cụ để điều hành quản lý, lãnh đạo và phương tiện hữu hiệu để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc, là nguồn tri thức, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin[2]. Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.[3] Quyền tiếp cận thông tin là một trong những hình thức, phương thức, phương tiện để nhân dân làm chủ đất nước, thật sự tham gia vào quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Nó có vai trò chính trị - xã hội quan trọng, vừa là quyền được hưởng, vừa là tiền đề để bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản khác như: các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa,... Chỉ khi tiếp cận thông tin về hoạt động của bộ máy nhà nước một cách công khai, trung thực thì người dân mới có thể tham gia vào quản lý xã hội và thực hiện quyền làm chủ thực sự của mình.

Ở Việt Nam, với bản chất là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, nước ta luôn mở rộng dân chủ, tổ chức tốt các điều kiện để nhân dân tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào quản lý xã hội theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Vấn đề “dân biết” là cơ sở đầu tiên để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, gắn liền với quyền được thông tin của công dân. Quyền này đã được Đảng ta đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Sau đó, được chính thức ghi nhận tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật”. Đến Hiến pháp năm 2013, tiếp tục quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều này đã tạo nền tảng hiến định để cơ quan nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xây dựng và ban hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tiếp cận thông tin từ đó tạo cơ chế thúc đẩy, bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của người dân, thúc đẩy cải cách nền quản trị quốc gia đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của công cuộc hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của nước ta.

Thời gian qua, việc tiếp cận thông tin phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Bến Tre luôn được quan tâm và tạo điều kiện. Bằng các hình thức như: Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi thông tin thời sự hàng tháng, các buổi Hội nghị quán triệt, triển khai, học tập nghị quyết, ... nhờ vậy, đội ngũ giảng viên luôn được tiếp cận nguồn thông tin chính thống nhanh và đầy đủ, chính xác về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. Từ đó, chọn lọc nội dung phù hợp để cập nhật vào bài giảng cũng như bài viết nghiên cứu khoa học của mình, đảm bảo “lý luận gắn liền với thực tiễn”.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình còn giới hạn về nguồn thông tin được tiếp cận, phạm vi tiếp cận thông tin và tính kịp thời trong tiếp cận thông tin vẫn chưa cao điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng cũng như công trình nghiên cứu khoa học.

Do vậy, xuất phát từ vị trí, vai trò quyền tiếp cận thông tin gắn với việc thực hiện nhiệm vụ giảng viên nói riêng và gắn với việc bảo đảm quyền dân chủ của công dân nói chung, thời gian tới cần:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo khoa, nhà Trường và lãnh đạo tỉnh để đội ngũ giảng viên tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác, đầy đủ. Khi được tiếp cận nhiều nguồn thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội,... nhanh chóng, chính xác, đầy đủ sẽ tạo điều kiện tốt cho giảng viên nghiên cứu, lĩnh hội những kiến thức lý luận, kiến thức thực tiễn lồng ghép vào nội dung bài giảng giúp bài giảng thêm sinh động, tăng tính thuyết phục. Đồng thời, khi được tiếp cận nhiều thông tin đây còn là “vốn” tri thức rất hữu ích phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn - củng cố lý luận, nhất là phục vụ cho công tác viết bài chính luận phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Thứ hai, tăng cường sự chủ động công khai, minh bạch đối với những thông tin phải công bố, công khai. Cơ quan nhà nước cần triển khai, cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, minh bạch, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Thiết lập, duy trì và vận hành trang thông tin điện tử thường xuyên cập nhật thông tin do cơ quan mình quản lý, công bố thông tin, lưu giữ thông tin sao cho việc tìm kiếm thông tin dễ dàng, thuận tiện nhất.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm bí mật nhà nước đối với những thông tin không được công bố, công khai. Quyền tiếp cận thông tin không phải là quyền vô hạn. Thực hiện quyền tiếp cận thông tin phải kèm theo nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Trong hầu hết các luật tiếp cận thông tin của các quốc gia đều có những quy định về những thông tin, tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh, nghề nghiệp... không được công bố công khai hay không được tiếp cận. Đối với những thông tin không được công bố rộng rãi, Nhà nước cần bổ sung quy định rõ về trình tự, thủ tục và hướng dẫn cách thức thực hiện để người dân có nhu cầu tiếp cận những thông tin này thực hiện dễ dàng. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm cá nhân có yêu cầu cung cấp thông tin không được công bố rộng rãi trong việc sử dụng nguồn thông tin.

Thứ tư, trách nhiệm của giảng viên trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Đội ngũ giảng viên trường chính trị là lực lượng có vai trò nòng cốt, trực tiếp giảng dạy, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho học viên; trực tiếp tham gia nghiên cứu, bổ sung và phát triển lý luận chính trị, làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trên con đường xây dựng xã hội mới, là người có khả năng và thường xuyên tham gia tiếp cận, nhận diện kịp thời các thông tin, luận điệu sai trái, thù địch, từ đó có trách nhiệm chia sẻ những thông tin chính thống, viết bài, bình luận phản biện, đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là sứ mệnh cao cả của một giảng viên trường chính trị. Cho nên, khi được tiếp cận đầy đủ, đúng đắn, kịp thời, chính xác các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ giúp giảng viên trường chính trị luôn hoàn thành tốt “sứ mệnh chính trị” của mình.

Bên cạnh đó, khi được tiếp cận những thông tin liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia,... cần lưu ý, chọn lọc đúng, đủ thông tin để lồng ghép vào nội dung bài giảng, bài nghiên cứu khoa học; khi khai thác các nguồn thông tin từ nhiều kênh thông tin khác nhau cần kiểm chứng thận trọng để tránh tuyên truyền ngược những đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Tóm lại, tiếp cận thông tin đã và đang trở thành một nhu cầu và một quyền cấp thiết cần phải bảo đảm đối với mọi công dân, tổ chức. Nhà nước có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến việc bảo đảm thực hiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin từ đó nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước và đảm bảo giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước. Tuy nhiên, quyền tiếp cận thông tin không phải là quyền vô hạn, khi thực hiện quyền mỗi chúng ta cần thực hiện đúng phạm vi, giới hạn quyền và trách nhiệm của mình./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991.

2. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

3. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

4. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

5. TS. Phí Thị Thanh Tuyền: Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo tinh thần của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Nghiên cứu lập pháp, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210391 [truy cập ngày 21/3/2024.


[1] Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

[2] Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

[3] TS. Phí Thị Thanh Tuyền: Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo tinh thần của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Nghiên cứu lập pháp, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210391 [truy cập ngày 21/3/2024].

Tin khác