Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 18 Tháng 5, 2024 - 12:00

Tăng cường hoạt động nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy của Trường Chính trị Bến Tre

ThS. Đoàn Thị Mao
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[1]. Lý luận với thực tiễn có mối liên hệ khăng khít với nhau không thể tách rời. Phương châm “lý luận gắn liền với thực tiễn” luôn là một tiêu chí quan trọng hàng đầu đối với đội ngũ giảng viên Trường Chính trị trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở, giảng viên sẽ gắn kết những tri thức lý luận đã truyền đạt đến học viên với thực tiễn đang diễn ra một cách sinh động và phong phú, khẳng định tính đúng đắn của lý luận khi nó được cụ thể hóa trong hoạt động thực tiễn, làm cho bài giảng thêm sinh động bằng chính sự trải nghiệm thực tế của giảng viên. Xác định đúng vai trò của kiến thức thực tiễn sẽ giúp cho giảng viên không còn mắc bệnh chủ quan, xa rời thực tiễn và gắn lý luận với thực tiễn, qua đó “thổi hồn thực tiễn” vào trong từng bài giảng. Ngoài ra, việc thực hiện nhiệm vụ được phân công giúp giảng viên nắm bắt được các tình huống, vấn đề nảy sinh khi triển khai những chủ trương, chính sách mới vào trong thực tiễn, từ đó liên hệ, vận dụng vào bài giảng. Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp cận, giải quyết công việc cụ thể giúp giảng viên có cơ hội hoàn thiện thêm các kỹ năng: Giao tiếp, thu thập và xử lý thông tin, soạn thảo văn bản,… Vì vậy, giảng viên cần phải được tăng cường nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời thực hiện đúng Quy chế giảng viên của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm Quyết định 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đối với Trường Chính trị Bến Tre, Đảng ủy, Ban Giám hiệu rất quan tâm đến việc tăng tính thực tiễn trong từng bài giảng của giảng viên. Vì vậy, từ năm 2015 đến 2024 trường đã đưa 05/21 giảng viên, trong đó có 02 giảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và 01 viên chức của Phòng là nguồn giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở. Hiện nay Trường đã xây dựng Đề án cử giảng viên, viên chức đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, xác định mục tiêu, lộ trình, đối tượng là giảng viên, viên chức các khoa, phòng đi thực tế có kỳ hạn ở cơ sở từ 6 tháng đến 01 năm, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên để thực hiện mục tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn.

Kết quả nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên đối với công tác giảng dạy: Giảng viên biết kết hợp tốt giữa lý luận và thực tiễn sẽ làm cho bài giảng sinh động, lôi cuốn học viên, tăng tính thuyết phục đối với người học khi lý giải những vấn đề diễn ra trong thực tiễn. Ngoài ra, giảng viên có khả năng gợi mở, định hướng học viên cách giải quyết vấn đề, tình huống phát sinh ở cơ sở một cách hiệu quả, hợp lý. Như vậy, qua nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên góp phần nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên mà còn góp phần tìm ra những phương pháp, cách thức để truyền đạt tri thức đến người học một cách sinh động nhất và hiệu quả nhất góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Bên cạnh đó, việc tăng cường hoạt động nghiên cứu thực tế có kỳ hạn là cơ hội cho giảng viên thể hiện năng lực của mình, thử sức mình ở các lĩnh vực khác khi “đóng vai” là một cán bộ, công chức, qua đó tạo nguồn cán bộ cho nhà trường trong công tác đề bạt, bổ nhiệm. Cụ thể qua thời gian thực hiện nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên có 01/06 giảng viên bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng; 03/06 viên chức, giảng viên của nhà trường sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thực tế có kỳ hạn được bổ nhiệm, hiện đang là lãnh đạo trưởng, phó phòng, khoa.

Tuy nhiên, mặc dù được Đảng ủy, Ban Giám hiệu quan tâm thực hiện, nhưng do số lượng giảng viên ít, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với số lượng lớp học nhiều, do vậy không đủ nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ giảng dạy khi phân công giảng viên nghiên cứu có kỳ hạn. Vậy nên việc thực hiện đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở đôi lúc bị gián đoạn. Bên cạnh đó, hiện nay đội ngũ giảng viên trẻ, viên chức là nguồn giảng viên là 21/37 viên chức, cần được tăng cường nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở. Đa số viên chức là nguồn giảng viên và giảng viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, việc triển khai hoạt động nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên đảm bảo thực hiện đúng Đề án khi được phê duyệt, đảm bảo đúng quy chế giảng viên, vừa góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên. Ngoài ra, việc đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở đòi hỏi giảng viên phải thể hiện năng lực chuyên môn nhất định, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh người giảng viên trường đảng, nâng cao uy tín, vị thế của Trường Chính trị tỉnh. Vì vậy việc lựa chọn giảng viên thực hiện cũng là vấn đề cần được cân nhắc, thận trọng đối với lãnh đạo nhà trường và sự e ngại, áp lực đối với bản thân giảng viên được chọn tham gia.

Để phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới nhà trường cần quan tâm các vấn đề sau:

Thứ nhất, nhà trường cần nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên về mục đích, vai trò, ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở. Qua đó giúp giảng viên nhận thức đúng vấn đề, có kế hoạch cá nhân hợp lý, biến áp lực trở thành động lực để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thực tế có kỳ hạn đạt kết quả cao.

Thứ hai, nhà trường cần duy trì các chính sách hỗ trợ như hiện tại: Hỗ trợ kinh phí, tạo động lực cho giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ mới, đồng thời phân công nhiệm vụ giảng dạy để giảng viên có thể vận dụng ngay những kiến thức thực tế vừa thu thập được trong công việc chuyên môn, thực hiện nguyên lý học đi đôi với hành.

Thứ ba, nhà trường cần tiến hành tổ chức thực hiện Đề án khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, động viên, khuyến khích giảng viên, viên chức tham gia nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở, để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên, góp phần vào thực hiện mục tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1 đến năm 2025 và tiến đến trường chính trị chuẩn mức 2 vào năm 2030. 

Thứ tư, lãnh đạo các khoa chuyên môn, các phòng tham mưu tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những kiến nghị, giải pháp thực hiện góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên đảm bảo theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, đặc biệt đúng đối tượng thực hiện, phù hợp các điều kiện thời gian, công việc và cơ chế chính sách cho đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu thực tế tại địa phương.

Thứ năm, phát huy tính tích cực, chủ động của giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực tế có kỳ hạn.

Giảng viên đi nghiên cứu thực tế cần trao đổi thông tin với đơn vị tiếp nhận để được phân công nhiệm vụ theo khả năng và gắn với công tác chuyên môn, tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công ở đơn vị mới. Bên cạnh đó, giảng viên đi nghiên cứu thực tế cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của nhà trường. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, trong thực hiện nhiệm vụ được giao cần chủ động báo cáo, xin ý kiến để giải quyết vướng mắc nhanh chóng, kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng các công việc được giao.

Giảng viên đi nghiên cứu thực tế ngoài việc tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao theo mảng công việc cụ thể. Qua đó, hiểu rõ và trải nghiệm quy trình giải quyết công việc cụ thể như thế nào. Đồng thời, đối với những mảng công việc khác của đơn vị không được phân công cần quan sát tỉ mỉ, có thể tham gia thực hiện những việc cụ thể (phù hợp với khả năng và thời gian hợp lý). Từ đó, giảng viên có thể vừa xử lý tốt công việc được giao vừa nắm bắt toàn diện các mảng công việc khác của đơn vị.

Giảng viên cần chủ động sắp xếp thời gian, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, dành thời gian tham gia đi cơ sở theo nhiệm vụ được phân công và các hoạt động khảo sát, kiểm tra ở cơ sở của các ngành khác có nội dung gắn với bài giảng để có thêm kiến thức thực tiễn.

Giảng viên Trường Chính trị là người truyền đạt kiến thức lý luận chính trị và hướng dẫn học viên cách thức vận dụng kiến thức lý luận đó để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Do đó, việc nghiên cứu thực tế có kỳ hạn, gắn lý luận với thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi giảng viên. Đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa của nghiên cứu thực tế có kỳ hạn, thời gian qua Ban Giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các hoạt động nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở, tạo điều kiện, cơ hội cho giảng viên cập nhật, nắm bắt những vấn đề thực tiễn đang diễn ra, đồng thời vận dụng linh hoạt, phù hợp, sáng tạo vào các bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng đến thực hiện tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Đề án số 09-ĐA/TU của Tỉnh ủy Bến Tre./.

ĐC Dương Quốc Hoàng, Phó Hiệu trưởng làm việc với Phòng Nội vụ huyện Châu Thành
về việc tiếp nhận giảng viên đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thực tế có kỳ hạn năm 2023.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.95.

Tin khác