Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 18 Tháng 5, 2024 - 14:40

Tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở

CN. Lê Thị Thảo Ngọc
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 

Ở cấp cơ sở, cùng với đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách là cầu nối quan trọng nối liền giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, có nhiều đóng góp cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vì vậy, tạo động lực nâng cao chất lượng làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở là hoạt động cần thiết và góp phần đảm bảo chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.

1. Một số nội dung khái quát về tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở

Động lực làm việc là sự thúc đẩy khiến cho con người nỗ lực làm việc trong điều kiện cho phép để tạo ra năng suất, hiệu quả cao[1], đây chính là sự khao khát và tự nguyện của cá nhân nhằm phát huy và hướng nỗ lực của bản thân để đạt được các mục tiêu cá nhân và mục tiêu của tổ chức. Nhờ có động lực làm việc mà người lao động trong tổ chức sẽ luôn không ngừng cố gắng và sáng tạo trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như vậy, tạo động lực làm việc là tổng hợp các biện pháp về cách ứng xử của tổ chức, của các nhà quản lý nhằm tạo ra khát vọng và sự tự nguyện của người lao động trong thực thi công việc để đạt được các mục tiêu tổ chức đề ra. Cho dù là ở khu vực tư hay khu vực công, việc tạo động lực làm việc cho người lao động luôn là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của tổ chức.

Là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở, người hoạt động không chuyên trách có vai trò rất quan trọng; họ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Trên cơ sở cách tiếp cận trên, có thể hiểu tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở chính là tổng hợp các biện pháp mà Nhà nước sử dụng để phát huy tính chủ động, tích cực, tạo ra sự khao khát và tự nguyện gắn bó của người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở với cơ quan, đơn vị công tác và với công việc đảm nhận nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Vai trò của tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở được thể hiện trên một số khía cạnh cơ bản sau:

Thứ nhất, đối với bản thân người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở

Thông qua tạo động lực làm việc, bản thân người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở sẽ khơi dậy được niềm đam mê, tinh thần nhiệt huyết hăng say lao động, từ đó giúp họ đạt được mục tiêu của bản thân, tạo cơ hội thăng tiến trong công việc. Bên cạnh đó, động lực làm việc sẽ giúp người hoạt động không chuyên trách ngày càng hoàn thiện bản thân, bởi lẽ có động lực làm việc họ sẽ luôn tìm cách vượt qua khó khăn, có ý thức tự phát triển và hoàn thiện mình.

Thứ hai, đối với hệ thống chính trị ở cơ sở

Người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở có nơi làm việc khá đa dạng, hầu như khắp các cơ quan trong hệ thống chính trị ở cơ sở từ Đảng ủy, Ủy ban nhân dân đến các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, chất lượng làm việc của người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở tác động rất lớn đến chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, bởi sức mạnh của tổ chức được hình thành chủ yếu dựa trên sức mạnh nội tại của từng cá nhân. Nếu thực hiện tốt công tác tạo động lực, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở sẽ chủ động, sáng tạo trong công việc, từ đó nâng cao năng suất lao động, góp phần giúp hệ thống chính trị ở cơ sở sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, tạo động lực cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở còn giúp hệ thống chính trị ở cơ sở giảm thiểu những vấn đề có tác động tiêu cực nảy sinh trong quá trình tổ chức hoạt động. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi người lao động có động lực làm việc thì tai nạn nghề nghiệp ít xảy ra hơn, các vấn đề vi phạm đạo đức, bỏ việc hoặc tỉ lệ vi phạm kỷ luật cũng ít hơn[2]. Thông qua quá trình tạo động lực làm việc, bầu không khí làm việc trong tổ chức sẽ trở nên thân thiện hơn, có sự hợp tác chia sẻ, ít tranh chấp.  

Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm nhất định đến công tác quản lý người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, trong đó có các chính sách tạo động lực cho nhóm đối tượng này. Căn cứ tình hình và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ngày 10/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/8/2023, thay thế các nghị định của Chính phủ đã được ban hành trước đó để điều chỉnh về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. So với các nghị định trước, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP có nhiều quy định mới nâng cao hơn về chế độ phụ cấp, chế độ đãi ngộ, cũng như quy định cụ thể hơn trong vấn đề quản lý đối với người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, từ đó góp phần khắc phục hạn chế, điểm vênh giữa quy định của pháp luật và thực tiễn, tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách.

Mặc dù đã có sự điều chỉnh nhất định, tuy nhiên những quy định dành cho người hoạt động không chuyên trách hiện nay nhìn chung vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa thật sự tạo đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ động lực làm việc cho nhóm đối tượng này. Chế độ phúc lợi dành cho người hoạt động không chuyên trách đã có tăng lên đáng kể so với trước nhưng vẫn còn có sự chênh lệch nhiều so với cán bộ, công chức cấp xã và với nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc dành cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở theo quy định chỉ có hai loại hình là chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Cùng với đó, hiện nay nhiệm vụ và chế độ làm việc của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố chưa được quy định rõ trong các quy định của pháp luật dẫn đến việc mỗi địa phương lại có cách quản lý khác nhau, có địa phương siết chặt, có địa phương lại nới lỏng dễ dẫn đến cho họ tâm so bì, chán nản. Chế độ đãi ngộ thấp, cách thức quản lý không đồng nhất, tính chuyên nghiệp và ổn định của công việc không cao đã vô hình chung tạo nên sức ì tâm lý đối với bản thân một số người hoạt động không chuyên trách.

2. Giải pháp tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở

Tạo động lực làm việc là một trong những giải pháp hữu hiệu cải thiện chất lượng làm việc cho cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cho cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở thông qua các chính sách tài chính như chế độ phụ cấp, chế độ phúc lợi

Các chính sách tài chính như chế độ phụ cấp, chế độ phúc lợi chính là một trong những nội dung quan trọng trong việc tạo động lực làm việc nhằm kích thích cho người hoạt động không chuyên trách làm việc hăng hái, nâng cao năng suất lao động góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển. Biện pháp tạo động lực này tác động trực tiếp vào lợi ích vật chất của người hoạt động không chuyên trách. Đồng thời, đảm bảo chế độ phụ cấp và chế độ phúc lợi cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở cũng cần phải dựa trên nguyên tắc công bằng, khách quan, tương quan với kết quả thực thi công việc và phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì vậy Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện các chính sách đãi ngộ đối với người hoạt động không chuyên trách một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Thứ hai, tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở thông qua công việc

Tạo động lực làm việc tức là tạo sự hứng thú trong công việc, khơi dậy niềm hăng say, tinh thần nhiệt huyết trong lao động cho người hoạt động không chuyên trách. Do đó tạo động lực làm việc thông qua công việc chính là biện pháp rất quan trọng. Tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở thông qua công việc bao gồm một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở cần được tuyển dụng và bố trí làm việc phù hợp với khả năng, sở trường và đáp ứng tốt yêu cầu công việc; đồng thời đảm bảo đánh giá đúng năng lực, sự cống hiến, nỗ lực của người hoạt động không chuyên trách thông qua công tác đánh giá xếp loại hàng năm, thi đua khen thưởng, mạnh dạn đưa người hoạt động không chuyên trách vào các vị trí quy hoạch cán bộ, công chức cấp xã nếu đủ tiêu chuẩn,…

Hai là, chú trọng đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở nhằm giúp họ luôn tiếp cận được với sự thay đổi của môi trường và nâng cao khả năng sáng tạo trong công việc. Bên cạnh đào tạo chuyên môn, cần chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho người hoạt động không chuyên trách. Hàng năm, chính quyền cơ sở cần có sự phối hợp với chính quyền cấp trên, trường chính trị mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho người hoạt động không chuyên trách; cử những người hoạt động không chuyên trách tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị phù hợp. Thông qua đó người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở sẽ nâng cao năng lực chuyên môn, nhận thức đúng, đủ vị ví, vai trò quan trọng của mình, đồng thời khơi dậy niềm tin, cảm hứng trong công việc.

Ba là, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở với nhau và với cán bộ, công chức khác.

Thứ ba, bản thân người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở cần tự ý thức, xác định rõ mục đích, trách nhiệm và khơi dậy niềm đam mê với công việc

Mỗi người hoạt động không chuyên trách phải xác định rõ được trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của bản thân, luôn xác định mục tiêu phục vụ Nhân dân, vì cộng đồng, vì đất nước trước lợi ích cá nhân. Bản thân mỗi cá nhân phải có ý thức tự rèn luyện và không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chấp hành tốt các nội quy, quy chế làm việc của cơ quan.

Tạo động lực làm việc cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở là một trong những phương thức hiệu quả và quan trọng để nâng cao chất lượng công việc của người hoạt động không chuyên trách, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cấp cơ sở nói riêng, Đảng và Nhà nước ta nói chung cần quan tâm và tạo điều kiện cần thiết, xác định những nội dung và đề xuất các giải pháp khoa học để đổi mới và nâng cao hiệu quả tạo động lực làm việc cho nhóm đối tượng này./.

 

[1] Học viện Hành chính quốc gia: Giáo trình Động lực làm việc trong tổ chức hành chính nhà nước, Nxb. Lao động, H. 2013;

[2] Jurkiewicz, Carole L., Massey, Tom K. Jr., & Brown, Roger G. (1998). Motivation in Public and Private Organizations: A Comparative Study, Public Productivity & Management Review, Vol. 21, No. 3, pp.230-250, M.E. Sharpe, Inc

Tin khác