Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 18 Tháng 5, 2024 - 12:20

Mỗi viên chức nguồn giảng viên Trường Chính trị Bến Tre cần thấm nhuần lời dạy của bác “mỗi người làm việc bằng hai” trong xây dựng trường chính trị đạt chuẩn hiện nay

ThS. Võ Kim Thanh
Viên chức phòng QLĐT và NCKH
 

Theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư quy định về trường chính trị chuẩn. Trong quy định thì để đạt chuẩn, các trường chính trị cần đảm bảo được 6 nhóm tiêu chí như: (1) Về thể chế, quy định; (2) về đội ngũ cán bộ, viên chức; (3) về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; (4) về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; (5) về xây dựng văn hóa Trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; (6) về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính. Như vậy, tiêu chí về giảng viên theo quy định này được cụ thể hóa trong tiêu chí thứ 2 về đội ngũ cán bộ, viên chức. Nhằm định hướng về tư tưởng, hành động cụ thể trong xây dựng trường chuẩn trên theo hướng dẫn số 381-HD/HVCTQG, ngày 6 tháng 9 năm 2021 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về quy trình công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về lộ trình phát triển trường chính trị và cụ thể mục tiêu phấn đấu: Hoàn thiện các tiêu chí để được công đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025 và công nhận trường chuẩn mức 2 vào năm 2035. Tuy nhiên, theo lộ trình công nhận trường đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025 thì còn hơn 1 năm nữa. Nhưng hiện tại nhiều tiêu chí chưa đạt được, đặc biệt là về xây dựng đội ngũ và chất lượng giảng viên của Nhà trường còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt. Do vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người giảng viên, đặc biệt là viên chức nguồn giảng viên các phòng, khoa phải chủ động, tích cực trong thực hiện hoàn thành tiêu chí theo quy định, song song đó, mỗi giảng viên cần thay đổi phong cách, lề lối làm việc, đặc biệt là nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác “mỗi người làm việc bằng hai” trong mọi hoạt động để tạo bước đột phá, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đạt chuẩn.

* Lời dạy của Bác Hồ “mỗi người làm việc bằng hai”

 Tại Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 4 năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”. Câu nói của Bác nhanh chóng trở thành lời hiệu triệu cả miền Bắc hậu phương thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, tạo sức mạnh tổng lực “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Khẩu hiệu hành động “Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua” đã huy động mạnh mẽ sức người, sức của phục vụ chiến trường miền Nam để giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Để nói rõ làm việc bằng hai là như thế nào?, Bác cũng đã giải thích rõ rằng làm việc bằng hai không có nghĩa là kéo dài giờ lao động gấp đôi mà “bất kỳ làm công việc gì đều phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm, có tinh thần cố gắng gấp bội, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm mục đích làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ”[1]. Thực hiện lời dạy ấy, cả nước đã dấy lên phong trào thi đua rộng khắp, và “Mỗi người làm việc bằng hai” thực sự trở thành mục tiêu phấn đấu của mỗi người, mỗi ngành vì một mục đích duy nhất, cao đẹp nhất là giải phóng miền Nam. Cùng với các phong trào: “Sóng duyên hải” trong sản xuất công nghiệp; “Gió đại phong” trong sản xuất nông nghiệp; “Cờ Ba nhất” trong quân đội, “Trống Bắc lý” trong giáo dục, “Thanh niên Ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang”,… các phong đã thực sự phát huy hiệu quả; tạo nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn để toàn dân tộc ta đứng lên đánh Mỹ và thắng Mỹ, thống nhất Tổ quốc.

Trong giai đoạn hiện nay, lời dạy ấy của Bác đã được Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta phát huy trên mọi lĩnh vực. Đối với Trường Chính trị Bến Tre, trong những năm qua tập thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động luôn thấm nhuần lời dạy của Bác đã ra sức phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng được các tiêu chí của trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19-5-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, lời dạy của Bác chính là những tư tưởng, hành động thiết thực giúp đội ngũ giảng viên, nhất là đối với viên chức nguồn giảng viên vượt khó, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

* Viên chức trường chính trị vận dụng lời dạy của Bác “mỗi người làm việc bằng hai” vào nhiệm vụ xây dựng trường chính trị đạt chuẩn

Xây dựng trường chính trị chuẩn là nhiệm vụ của các trường chính trị trong cả nước, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước ở địa phương vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, là căn cứ để đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động, bình xét danh hiệu thi đua của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với nhiệm vụ chính trị trên đòi hỏi nhà trường phải xây dựng đội ngũ giảng viên, viên chức đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo từng chức danh, vị trí việc làm và cơ sở vật chất từng bước được hoàn thiện, bổ sung để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhà.

Những kết quả bước đầu trong lộ trình xây dựng trường chính trị chuẩn của giảng viên:

Sau hơn một năm thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU ngày 23/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Trường Chính trị Bến Tre trở thành Trường Chính trị chuẩn, tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu và giảng viên đã cố gắng nâng chất lượng và số lượng giảng viên để đảm bảo thực hiện tốt Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư quy định về trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025. Tuy nhiên, căn cứ theo tiêu chí giảng viên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đạt theo yêu cầu, tổng số viên chức của nhà trường là 37/42 biên chế được phân bổ, trong đó giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm là 21/37 chiếm tỷ lệ 56,76%, cụ thể:


[1] Ngày 11/4/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài trả lời bạn đọc, bút danh Chiến sĩ đăng trên báo Nhân dân số 3665, trả lời câu hỏi “Làm thế nào để thực hiện việc mỗi người làm việc bằng hai?” của bạn đọc

 

 

STT

Tiêu chí quy định

Mức hoàn thành

1

Đội ngũ giảng viên (giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm) chiếm tỉ lệ ít nhất 75% tổng số cán bộ, viên chức

21/37 viên chức (56,76%)

2

Ít nhất 90% giảng viên có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên phù hợp với chuyên môn giảng dạy.

15/21 giảng viên (71.43%)

3

Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị (hoặc tương đương) trở lên.

Giảng viên sau 7 năm giảng dạy tại trường có trình độ cao cấp lý luận (hoặc tương đương)

21/21 giảng viên (đạt 100%)

 

 

14/14 giảng viên (đạt 100%)

4

100% giảng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc chứng chỉ phương pháp dạy học tích cực hoặc đã có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm

21/21 giảng viên (đạt 100%)

5

Ít nhất 80% giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

21/21 giảng viên (đạt 100%)

6

Ít nhất 60% giảng viên giữ ngạch giảng viên chính (viên chức hạng II) hoặc tương đương trở lên

11/21 giảng viên (đạt 52,38%)

7

100% giảng viên áp dụng hiệu quả phương pháp dạy học tích cực, tham gia thao giảng cấp khoa, cấp trường và đạt yêu cầu trở lên

21/21 giảng viên (đạt 100%)

8

100% giảng viên hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế theo quy định

21/21 giảng viên (đạt 100%)

9

Xây dựng được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng theo quy định

Đạt 100%

Qua 9 nội dung quy định chuẩn đối với đội ngũ giảng viên trong xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức I cho thấy Trường Chính trị Bến Tre còn 03 nội dung của tiêu chí chưa đạt được quy định, cụ thể: Về đội ngũ giảng viên thấp hơn chuẩn quy định là 18.24%; giảng viên có trình độ thạc sĩ thấp hơn chuẩn quy định là 18.57%, giảng viên giữ ngạch giảng viên chính (viên chức hạng II) hoặc tương đương trở lên thấp hơn chuẩn quy định 7.62%.

Để xây dựng xây dựng Trường Chính trị Bến tre đạt chuẩn mức I trong năm 2025 thì mỗi giảng viên nhất là các viên chức nguồn giảng viên cần nỗ lực phấn đấu theo lời dạy của Bác: “mỗi người làm việc bằng hai”. Ở đây Bác đã giải thích cụ thể “mỗi người làm việc bằng hai” không phải là kéo dài thời gian lao động lên gấp hai lần mà làm bất cứ việc gì cũng phải có mục đích rõ ràng và mang lại hiệu quả cao nhất. Để thực hiện được điều đó thì mỗi viên chức nguồn giảng viên phải phấn đấu, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn thì mới hoàn thành nhiệm vụ được, đặc biệt là viên chức các phòng càng phải nỗ lực hơn vì ngoài việc soạn giảng ra hội đồng, viên chức còn phải thực hiện công việc chuyên môn của phòng.

Do đó, “mỗi người làm việc bằng hai” của viên chức nguồn giảng viên trong thực hiện tiêu chí trường chuẩn hiện nay cần phải nỗ lực, cụ thể như sau:

Một là, phải sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý: Đối với viên chức các phòng vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn của phòng và thời gian đầu tư cho bài giảng cả về nội dung, phương pháp, kỹ năng xử lý tình huống trong giảng dạy, cập nhật kiến thức thực tiễn,... Để đảm bảo yêu cầu này viên chức các phòng phải có sự nỗ lực và quyết tâm vì công việc chuyên môn của phòng chi phối nhiều làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ tham gia giảng dạy.

Hai là, phải chuyên tâm trong khâu soạn giảng, từ khái quát đến chi tiết của bài giảng; từ soạn theo Word hay PowerPoint… Đối với việc soạn giáo án. Công việc này không đơn giản là đánh máy lại các nội dung trong giáo trình mà đòi hỏi phải tóm lược được các ý trong giáo trình một cách cô đọng nhất nhưng phải bảo đảm đầy đủ dung lượng kiến thức cần truyền tải. Đồng thời, sắp xếp lượng kiến thức ấy theo một trật tự, tạo thành một chỉnh thể mang tính hệ thống các kiến thức lý luận và thực tiễn của bài giảng. Trong công việc này, viên chức thường có tâm lý (hầu như tất cả các viên chức tập giảng đều có tâm lý này) đưa thật nhiều những cái mới, cái hay mà mình khám phá được trong quá trình nghiên cứu, lồng ghép vào nội dung bài giảng nhưng thiếu sự gắn kết làm mất đi tính logic, tính hệ thống của bài giảng.

Để thực hiện tốt viên chức nguồn giảng viên phải thực hiện các công việc chính, cơ bản như: Nghiên cứu tài liệu, đọc, phân tích, khái quát, tổng hợp,…. Đọc và nghiên cứu tài liệu là công việc đầu tiên, rất quan trọng, phục vụ cho cả quá trình soạn giáo án và giảng tập của viên chức. Nếu “đọc” theo cách thông thường thì đây là công việc dễ, nhưng để viên chức có thể đọc và rút ra được những cái mới, cái hay của tài liệu cũng như khả năng tóm ý, lược ý của từng đoạn văn, nhất là những đoạn văn được viết theo lối song hành là khó. Để làm được điều này đòi hỏi người đọc phải có kiến thức rộng, có tư duy khái quát hóa, trừu tượng hóa cao. Đây cũng là đòi hỏi quá lớn đối với viên chức, công việc này đòi hỏi viên chức phải có thời gian để nghiên cứu, vì vậy viên chức cần sắp xếp thời gian một cách hợp lý.

  Ba là, phải sắp xếp thời gian để thường xuyên tập giảng, bản thân từng viên chức nguồn giảng viên phải có kế hoạch giảng tập (cùng với giảng viên hướng dẫn hoặc tự tập luyện) trước khi ra hội đồng, bởi vì một trong những điều cần chú ý là hiểu và nắm chắc bài giảng sẽ giúp viên chức chủ động và tự tin khi lên lớp. Quá trình này đòi hỏi viên chức phải nỗ lực rất lớn để vừa thực hiện công việc vừa rèn luyện các kỹ năng cần thiết dưới sự dẫn dắt, hướng dẫn của người hướng dẫn và cả sự quan tâm theo dõi của Tổ hỗ trợ viên chức trong thời gian viên chức giảng tập. Ngoài ra, viên chức sắp xếp thời gian tự tập giảng (Ngoài giờ hành chính hoặc và ngày cả những ngày nghỉ,…). Công việc tập giảng của viên chức, đây là công việc đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía viên chức tập sự, bởi đây là công việc mà họ phải làm trong tương lai, mà trước mắt là phải “thuyết phục” được hội đồng khoa học – những giảng viên gạo cội với nền tảng kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm giảng dạy lâu năm,… Đây là áp lực rất lớn không chỉ đối với viên chức tập sự, người hướng dẫn mà còn đối với cả giảng viên hướng dẫn, tổ hỗ trợ viên chức soạn giảng. Trong công việc này viên chức tập sự phải đối mặt với những vấn đề rất lớn mà tự thân viên chức tập sự rất khó vượt qua nếu không có sự hỗ trợ của giảng viên hướng dẫn.

Bốn là, thường xuyên tham dự các buổi giảng trên lớp của những giảng viên đi trước, có kinh nghiệm và rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Cổ nhân có câu: “học thầy không tày học bạn”. Chính trong những buổi dự giờ này mang lại hữu ích cho viên chức nguồn giảng viên rất nhiều về nội dung, kiến thức, phương pháp truyền đạt, cách xử lý tình huống trên lớp và nhiều vấn đề khác mà viên chức tập sự cần học hỏi.

Năm là, cần tập luyện để sử dụng các dụng cụ trực quan thuần thục như bảng, phấn màu, phấn trắng… biết thực hiện các thao tác khi sử dụng máy tính, máy chiếu,… các bài tập trên lớp, đọc nhận xét, đánh giá,… Khi tập giảng cần chú ý ra vào bảng, bục, biết làm chủ sân khấu và buổi giảng tập. Điều này đối với viên chức các phòng phải cố gắng phải nỗ lực rất lớn, tập luyện thường xuyên trên bục giảng thì mới làm tốt được.

Sáu là, viên chức cần nắm kiến thức thực tiễn địa phương. Vì một bài soạn giảng nếu chỉ tập trung lý thuyết nhưng không đầu tư việc vận dụng kiến thức thực tế, từ đó sẽ làm giảm chất lượng bài giảng. Điều này đặt ra cho viên chức nguồn giảng viên nên chú trọng cả phần lý thuyết và thực tế, giữa nhận thức và hành động phải gắn với nhau. Để viên chức thực hiện được việc này thì đòi hỏi có sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng khoa tạo điều kiện về thời gian để viên chức nguồn giảng viên được tham gia nghiên cứu thực tế địa phương.

Từ các yếu tố tên, chúng ta thấy rằng: Để phấn đấu trở thành giảng viên thì mỗi viên chức nguồn giảng viên phải nỗ lực phấn đấu theo lời dạy của Bác: “mỗi người làm việc bằng hai”. Bởi đây là công việc mà họ phải làm trong tương lai, mà trước mắt là phải “thuyết phục” được hội đồng khoa học - những giảng viên gạo cội với nền tảng kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm giảng dạy lâu năm… Đây là áp lực rất lớn không chỉ đối với viên chức tập sự, người hướng dẫn mà còn đối với cả giảng viên hướng dẫn, Tổ hỗ trợ viên chức soạn giảng. Trong công việc này viên chức tập sự phải đối mặt với những vấn đề rất lớn mà tự thân viên chức tập sự rất khó vượt qua nếu không có sự hỗ trợ của giảng viên hướng dẫn

Để đảm bảo thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU ngày 23/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Trường Chính trị Bến Tre trở thành Trường Chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025. Để thực hiện được  các tiêu chí về đội ngũ giảng viên thì mỗi viên chức nguồn giảng viên cần có sự chủ động, tích cực đặc biệt là nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác “mỗi người làm việc bằng hai” trong mọi hoạt động để tạo bước đột phá, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đạt chuẩn./. 

Tin khác