Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ hai, 20 Tháng 5, 2024 - 01:43

Bàn về tổ chức, thực thi và kiểm soát quyền lực Nhà nước ở nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Nguyễn Thị Ngọc Thương
Khoa NNPL
 

Nhà nước pháp quyền được nhìn nhận như là một phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, một cách thức tổ chức nhà nước và xã hội trên nền tảng dân chủ, trong đó nhà nước tồn tại, phát triển và vận hành trong môi trường pháp luật, coi pháp luật là tối thượng. Trên cơ sở học thuyết nhà nước pháp quyền và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng nhà nước pháp quyền của các nước, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) tháng 1-1994 đã chính thức đưa nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân vào trong Văn kiện của Đảng.Từ đó đến nay, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã trở thành một chủ trương lớn, nội hàm và đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng dần được phát triển, hoàn thiện từng bước thông qua các kỳ đại hội của Đảng. Trên cơ sở đánh giá những thành tựu và hạn chế trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng năm 2016 đã xác định một trong những phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới là “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”

Nhà nước pháp quyền là sản phẩm phát triển của nền văn minh nhân loại. Một trong những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền ở mọi thời đại là hướng đến một hình thức tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước hợp lý sao cho giữa các cơ quan nhà nước có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, rành mạch và kiểm soát có hiệu quả các cơ quan nhà nước này trong quá trình tổ chức, thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để quyền lực nhà nước được Nhân dân giao phó được sử dụng đủ, đúng mục đích, đảm bảo quyền lực nhà nước thật sự thuộc về Nhân dân và phục vụ tốt nhất cho Nhân dân.

Tổ chức, thực thi và kiểm soát một cách hợp lý, hiệu quả quyền lực nhà nước là một trong những vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, quyết định đến sự thành bại của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khoản 3, điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nguyên tắc hiến định nêu trên đã trở thành nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình tổ chức, thực thi và kiểm soát quyền lực nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở nước ta hiện nay. Theo đó, có bốn vấn đề quan trọng được đề cập đến xoay quanh nguyên tắc trên, bao gồm: 

Thứ nhất, vấn đề quyền lực nhà nước là thống nhất

Xét về bản chất giai cấp, quyền lực nhà nước luôn luôn thống nhất và thuộc lực lượng cầm quyền trong một chế độ xã hội nhất định. Ở nước ta, quyền lực nhà nước thống nhất trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức.

Tính thống nhất của quyền lực nhà nước còn được hiểu ở khía cạnh thứ hai, đó là thống nhất ở cội nguồn của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Đây là yếu tố quyết định, chi phối toàn bộ quá trình tổ chức cũng như mục tiêu, phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước. Quyền lực nhà nước xét về nguồn gốc, không phải quyền lực tự thân của các cơ quan nhà nước mà quyền lực nhà nước xuất phát từ Nhân dân, do Nhân dân ủy thác. Về góc độ pháp lý, ở Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Địa vị chủ thể tối cao của Nhân dân đối với quyền lực nhà nước đã được ghi nhận ngay từ trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nước VIệt Nam dân chủ cộng hòa (Hiến pháp năm 1946): “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” và xuyên suốt được khẳng định lại trong các bản Hiến pháp sau này. Tại khoản 1, điều 2, Hiến pháp 2013 (văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay) khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Ở góc độ thực tiễn, với tư cách là người chủ của quyền lực nhà nước, ở nước ta, Nhân dân có quyền và thực tế đã sử dụng quyền của mình trong quá trình kiến tạo, vận hành và kiểm soát hoạt động của bộ máy nhà nước, tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều có nguồn gốc từ Nhân dân mà ra. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua hai hình thức cơ bản: bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Khía cạnh thứ ba, quyền lực nhà nước thống nhất thể hiện ở mục tiêu chính trị chung. Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước được pháp luật phân định, giao giữ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động khác nhau, tương ứng với đó là những hình thức, phương pháp hoạt động khác nhau phù hợp với chức trách, thẩm quyền được giao. Tuy nhiên, suy cho cùng thì mục tiêu cuối cùng trong toàn bộ quá trình tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức thuộc hệ thống các cơ quan của bộ máy nhà nước là thực hiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao để cùng nhau thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì một xã hội giàu mạnh, tiến bộ, văn minh và phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn.

 Thứ hai, sự phân công giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước

Một bước tiến quan trọng trong hoạt động lập pháp ở nước ta là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Nhà nước đã minh định cụ thể: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Tuy nội hàm của các quyền này trong tổng thể của quyền lực nhà nước chưa được nêu rõ trong các văn bản pháp luật của Nhà nước cũng như các văn kiện của Đảng nhưng dưới góc độ khoa học có thể hiểu: trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam thì lập pháp là hoạt động xây dựng, ban hành và sửa đổi luật, là chức năng cơ bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội; hành pháp là bao gồm việc đề xuất, hoạch định, ban hành chính sách quốc gia và tổ chức thực thi pháp luật, đưa pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành vào trong thực tiễn của đời sống xã hội, thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ (bao gồm Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các cấp); tư pháp là hoạt động xét xử được Hiến pháp 2013 hiến định cho Tòa án nhân dân, dù vậy trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như trong nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 về “một số nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới” và nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về “chiến lược cải cải cách tư pháp đến năm 2020” của Bộ Chính trị thì tư pháp còn được hiểu là tất cả các hoạt động có liên quan đến hoạt động xét xử như điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong đó xét xử là hoạt động trọng tâm.

Thứ ba, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước:

Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước trước hết là một yêu cầu tất yếu khách quan vì pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành cần phải được cơ quan hành pháp triển khai thực thi trong thực tiễn và được cơ quan tư pháp bảo vệ;

Xây dựng, ban hành pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân các cấp cũng như đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan này là chức năng của Quốc hội, tuy nhiên một đạo luật từ lúc thai nghén, định hình, phát triển hoàn thiện đến khi ra đời là một chuỗi các hoạt động nối tiếp nhau và có sự tham gia của rất nhiều các cơ quan nhà nước khác nhau vì nhu cầu ban hành luật để điều chỉnh xã hội thường xuất phát từ các nhà hoạt động thực tiễn và thực tế đã chỉ ra rằng phần lớn các dự thảo luật thường bắt nguồn từ phía các cơ quan của Chính phủ đệ trình hơn là các cơ quan chức năng của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trong Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức Quốc hội 2014, Quốc hội không còn được quy định là cơ quan duy nhất thực hiện quyền lập hiến và lập pháp có phần cũng là do xuất phát từ thực tiễn nêu trên. Ngoài ra, sự tham gia của Quốc hội vào hoạt động của các cơ quan nhà nước khác còn thể hiện ở thẩm quyền bầu, phê chuẩn, bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh chủ chốt trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân…

Chính phủ thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của quốc gia bao gồm cả đội ngũ nguồn nhân lực công đang hoạt động trong các cơ quan của Quốc hội và cơ quan thực thi quyền tư pháp. Chính phủ tham gia vào công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, đảm nhiệm các hoạt động xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực quản lý – một hoạt động mang bản chất tư pháp với quy trình xử lý tương tự hoạt động xét xử của Tòa án nhưng do cơ quan hành chính nhà nước và các cá nhân có thẩm quyền hành chính nhà nước thực hiện. Các quyết định hành pháp  do Chính phủ, các cơ quan hành chính các cấp ban hành là căn cứ quan trọng trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuy không có quyền ban hành các đạo luật nhưng có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội, có quyền kiến nghị chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.

Thứ tư, vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước:

Kiểm soát quyền lực nhà nước là yêu cầu cần thiết, mang tính tất yếu nhằm đảm bảo quyền lực nhà nước được sử dụng đúng, đủ, chống lại sự lạm quyền, lẫn quyền do quyền lực luôn có xu hướng tự tăng cường dẫn đến sự tha hóa trong sử dụng quyền lực nhà nước mà một khi điều đó xảy ra thì quyền dân chủ sẽ không được đảm bảo.

 Điểm mới quan trọng trong Hiến pháp 2013 là đã bổ sung, đưa nội dung quy định về “kiểm soát” quyền lực nhà nước vào trong nguyên tắc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Theo đó, hoạt động kiểm soát việc thực thi quyền giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau:

Kiểm soát của cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp và tư pháp được thực hiện quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh chủ chốt của cơ quan nhà nước ở Trung ương; quyền liên quan đến ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động của bộ máy nhà nước và thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội

Kiểm soát của hệ thống cơ quan hành pháp đối với các cơ quan nhà nước khác được thực hiện thông qua việc tổ chức triển khai đưa pháp luật vào đời sống xã hội, các cơ quan hành chính nhà nước có quyền kiến nghị các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Kiểm soát của cơ quan tư pháp thông qua hoạt động tài phán hành chính, tài phán tư pháp Tòa án phân định tính đúng đắn của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước và các cá nhân có thẩm quyền hoặc đề nghị, kiến nghị hay yêu cầu các cơ quan, tổ chức áp dụng các biện pháp để khắc phục, loại trừ những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật, hoặc hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải tiến phương thức quản lý.

Có thể nói cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực thi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được hình thành cơ bản. Tuy nhiên từ cơ chế và công cụ để thực hiện sự kiểm soát trên cho thấy hiệu quả kiểm soát chưa thật sự đạt hiệu quả cao, điển hình nhất là trong quy định pháp luật hiện nay cơ chế cũng như công cụ để kiểm soát phần lớn nghiêng về phía cơ quan quyền lực nhà nước là chủ yếu, trong kiểm soát đối với hoạt động lập pháp của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp mới dừng lại ở việc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật mà chưa có một chế chế tài pháp lý đủ mạnh để hai cơ quan trên kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành Hiến pháp, các đạo luật cũng như trong quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và thực hiện chức năng giám sát tối cao.

Từ thực tế nêu trên, để đảm bảo quyền lực nhà nước được tổ chức và thực thi một cách chặt chẽ và hiệu quả cần nghiên cứu:

Hoàn thiện cơ chế thực thi dân chủ. Đảm bảo thực hiện trên thực tế quyền làm chủ của Nhân dân. Trước hết là đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo hướng dân chủ, tranh cử công bằng. Thứ hai, hoàn hiện cơ chế để Nhân dân hiện thực hóa quyền làm chủ của mình trong việc bãi miễn đại biểu dân cử trong trường hợp những đại biểu này không còn nhận được sự tín nhiệm của Nhân dân.

Thứ hai, định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất. Nghiên cứu làm rõ tính độc lập, chủ động của Chính phủ, Tòa án nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được trao, nhất là trong thiết lập vai trò kiểm soát đối với  hoạt động của cơ quan lập pháp, khắc phục tình trạng mất cân đối trong kiểm soát thực thi quyền lực nhà nước hiện nay.

Thứ ba, xây dựng, ban hành và thực thi có hiệu quả Luật giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao vai trò, chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức và công dân đối với hoạt động của Nhà nước.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả phương hướng, giải pháp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

Tóm lại, tổ chức, thực thi và kiểm soát có hiệu quả các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Xuất phát từ thực tiễn nước ta, trong thời gian tới cần nghiên cứu và thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên để góp phần thực thi và kiểm soát có hiệu quả quyền lực nhà nước, đảm bảo tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân. Đây là vấn đề vừa có tính phổ quát vừa mang tính đặc thù gắn liền với thể chế chính trị, truyền thống văn hóa của từng quốc gia. Do vậy, cần có sự nghiên cứu, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, đồng thời có sự kế thừa kinh nghiệm các thời kỳ để tổ chức, thực thi và kiểm soát tốt nhất, hiệu quả nhất.

Tin khác