Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ bảy, 27 Tháng 4, 2024 - 11:04

Nhìn lại tính chất của cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã hơn 40 năm

 

Ths. Trần Văn Hòa
                                                                                            Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

Cách đây hơn 40 năm, với thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu  nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến công oanh liệt đó đã ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trang sử vàng chói lọi nhất và đi vào lịch sử thế giới như một sự kiện chính trị - quân sự mang tầm vóc thời đại.

Trải qua 21 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra với tính chất khác nhau so với nhiều cuộc chiến tranh cách mạng trên thế giới và có những bước phát triển mới so với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đó. Vì đế quốc Mỹ muốn tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đối với miền Nam Việt Nam là để thực hiện âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn phong trào cách mạng lan sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới.

* Những toan tính và mục đích đầy tham vọng

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ đã triệt để khai thác những điều kiện thuận lợi (về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực dồi dào, trình độ khoa học – kỹ thuật cao...đồng thời lợi dụng chiến tranh để làm giàu, thu lợi nhuận từ mua bán vũ khí...), để vươn lên trở thành một đế quốc giàu có và hùng mạnh nhất thế giới. Mỹ tự đứng ra “đảm nhận” vai trò sen đầm quốc tế để bảo vệ và cứu nguy cho cả hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa đang suy yếu trước sự lớn mạnh nhanh chóng của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và những đòn tiến công liên tục của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Để thực hiện những tham vọng của mình, ngay từ những năm 1949, đế quốc Mỹ tăng cường chạy đua vũ trang, lập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO, 9/1949), đẩy mạnh chiến tranh lạnh, tiếp tay cho các thế lực đế quốc khác trong cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa, trực tiếp nhảy vào tham gia cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và sau đó là Đông Dương. Chính quyền Mỹ không ngừng gia tăng viện trợ quân sự cho thực dân Pháp. Cụ thể, nếu năm 1952 ngân sách viện trợ của Mỹ mới chỉ chiếm 35%, năm 1953 lên 43% thì đến năm 1954 đã tăng vọt lên 73% trong tổng ngân sách dành cho cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp.[1]

Được Mỹ hà hơi tiếp sức, Pháp rắp tâm kéo dài cuộc chiến tranh Đông Dương bằng nhiều thủ đoạn chính trị, quân sự; dù vậy, mọi cố gắng cũng không thể xoay ngược được tình thế trên chiến trường, còn các chính phủ “quốc gia” bản xứ do Mỹ hậu thuẫn thì liên tiếp sụp đổ.

Tại Việt Nam, Mỹ thực hiện con bài từ lâu là đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam Việt Nam và gây sức ép với Pháp để cho Ngô Đình Diệm chấp chính. “Quốc trưởng” Bảo Đại lúc đó tuy bất bình nhưng phản ứng của ông ta không mang lại kết quả. Sự kiện này đánh dấu quan hệ giữa Pháp và Mỹ về vấn đề Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới.. Mỹ bắt đầu ra mặt gạt Pháp khỏi Đông Dương, đơn phương thao túng thế cờ ở Việt Nam. Đó cũng là một trong những cột mốc đánh dấu quá trình Mỹ áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 23-7-1954, nghĩa là chỉ sau hai ngày khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ngoại trưởng Mỹ Đalét (Dulles) tuyên bố: “Từ nay về sau, vấn đề bức thiết không phải là than tiếc dĩ vãng, mà là lợi dụng thời cơ để việc thất thủ miền Bắc Việt Nam không mở đường cho chủ nghĩa cộng sản bành trướng ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương”[2].

Ngày 8-8-1954, Hội đồng an ninh nước Mỹ họp dưới sự chủ trì của tổng thống Aixenhao (Eisenhower), quyết định thay Pháp: ngăn làn thủy triều đỏ của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Các hành động của Mỹ tiếp tay cho Ngô Đình Diệm từ chối hiệp thương tổng tuyển cử (10-1955), tổ chức trưng cầu dân ý để phế truất Bảo Đại (23-10-1955), rồi tổ chức bầu cử gian lận để thành lập một quốc gia riêng với tên gọi Việt Nam Cộng hòa ở nam vĩ tuyến 17 do chính Ngô Đình Diệm làm tổng thống đánh dấu việc Mỹ đã xác lập thành công một bước chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam.

Mục đích của Mỹ nhằm: Biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự ngăn chặn và đe dọa tiến công các lực lượng cách mạng xã hội chủ nghĩa đang phát triển trong khu vực mà Mỹ cho rằng các lực lượng đó đang đe dọa đến các quyền lợi của Mỹ; Xây dựng “con đẻ” ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc đang dâng cao ở khu vực Đông Nam Á kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là sau chiến thắng Điện Biên Phủ (5-1954) của Việt Nam.

Những âm mưu trên đây đã chi phối các chính sách cơ bản trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ, nhằm chống lại các trào lưu cách mạng trên thế giới, đàn áp và phá hoại phong trào độc lập dân tộc, kìm giữ các nước mới trỗi dậy trong quỹ đạo chủ nghĩa tư bản, thực hiện chính sách lũng đoạn của tư bản độc quyền Mỹ và ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, đồng thời tranh giành vị trí, ảnh hưởng với các nước đế quốc khác. Nếu đánh bại được Việt Nam, đế quốc Mỹ vừa có thể thử nghiệm thành công các chiến lược, chiến thuật chiến tranh “chống cộng”, vừa có thể xóa bỏ được ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam – ngọn cờ tiêu biểu cho ý chí độc lập, tự do và cho sự kết hợp giữa các trào lưu cách mạng của thời đại, cho xu thế phát triển tất yếu khách quan của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc hướng tới chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Năm đời tổng thống Mỹ (Aixenhao, Kennơđi, Giônxơn, Nichxơn, Pho) đã theo đuổi âm mưu ấy bằng con đường chiến tranh xâm lược, ngoan cố bám lấy chính sách thực dân kiểu mới và lao vào những cuộc phiêu lưu quân sự với bất cứ giá nào. Như vậy, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mỹ. Mỹ muốn chứng tỏ với nhân dân thế giới rằng lực lượng quân sự và kinh tế khổng lồ của chúng có thể khuất phục được nhân dân Việt Nam, từ đó đè bẹp phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và chặn đứng bước tiến của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu.

* Kết cục của một tham vọng

Trước những âm mưu và hành động của Mỹ cùng với chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nhân dân ta không còn con đường nào khác là phải tiếp tục đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Suốt quá trình kháng chiến, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần muốn chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng hòa bình. Nhưng thực tế đã chỉ rõ, phá hoại hòa bình là bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Muốn có hòa bình thật sự, nhân dân ta chỉ có một con đường duy nhất là tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng - tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện chống lại cuộc chiến tranh xâm lược dã man, tàn khốc nhất của đế quốc Mỹ trong thế kỷ XX.

Đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa – đại diện cho giai cấp tư sản và địa chủ ở miền Nam Việt Nam gây ra, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa của một cuộc đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, mà còn là nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa một bên muốn đưa miền Nam Việt Nam tiến theo con đường chủ nghĩa xã hội còn bên kia thì lại muốn miền Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược đã trở thành một bộ phận của cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới và mang ý nghĩa quốc tế sâu sắc.      

“Với cuồng vọng nghiền nát lực lượng cách mạng ở miền Nam và “đẩy lùi miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, đế quốc Mỹ đã tung vào nước ta một đội quân viễn chinh hơn 60 vạn tên gồm quân Mỹ và quân của 5 nước chư hầu của Mỹ làm nòng cốt cho hơn một triệu quân ngụy. Ngoài ra, chúng còn dùng những phát minh khoa học, kỹ thuật mới nhất để gây vô vàn tội ác hủy diệt đối với nhân dân ta”[3]. Việt Nam, vì thế trở thành nơi đụng đầu lịch sử quyết liệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa độc lập dân tộc và ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa sức mạnh của bom đạn, sắt thép và bản lĩnh, ý chí con người.

Phát huy truyền thống yêu nước và những kinh nghiệm được đúc kết qua các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh giữ nước của một dân tộc, quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên cường tiến công địch toàn diện, cả về quân sự, chính trị và ngoại giao; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt lần lượt đánh bại cả bốn chiến lược chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Để cứu vãn tình thế nguy cấp, năm 1965 đế quốc Mỹ tiếp tục leo thêm nấc thang mới – triển khai chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam và mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Việt Nam.

Ngày 14-12-1972, đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, nhằm đánh lừa dư luận quốc tế, rồi bất ngờ mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng (từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972), nhằm cố giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải ký một hiệp định có lợi cho Mỹ. Rút cục, cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B52 bị thất bại thảm hại, chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc (15-1-1973) và ký hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973).

Việt Nam trở thành tâm điểm trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Mất Việt Nam, đế quốc Mỹ có thể bị mất nhiều nơi trên thế giới, trước hết là ở khu vực Đông Nam Á, nơi Mỹ có nhiều lợi ích về chính trị, kinh tế, quân sự.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta trên cả hai miền Nam – Bắc đã dấy lên nhiều phong trào thi đua sản xuất và chiến đấu, giết giặc lập công với phương châm toàn dân đánh giặc, toàn dân làm công tác quốc phòng, nhanh chóng phát triển các lực lượng vũ trang nhân dân. Những chiến thắng vang dội trên mặt trận quân sự của quân và dân hai miền Nam – Bắc nước ta đã buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố “ném bom hạn chế” miền Bắc rồi phải thừa nhận chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị bốn bên ở Pari (1-11-1968); cuối cùng phải ký hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973).

Ngày 29-3-1973, đơn vị cuối cùng của quân viễn chính Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên đất nước ta. Song điều quan trọng nhất là quân viễn chinh Mỹ và quân đội các quốc gia đồng minh phải cuốn cờ ra đi.

Tóm lại, đương đầu chống lại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới do đế quốc Mỹ gây ra, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nổ lực vượt bậc, kiên cường thắng Mỹ từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mở ra một kỷ nguyên mới vô cùng sôi động; là một cống hiến lớn lao vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới, tăng cường sức mạnh của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân các nước đang đấu tranh giành độc lập, tự do trên toàn thế giới, giành thắng lợi vẽ vang cho dân tộc. Đảng Lao động Việt Nam đã giương cao ngọn cờ bách chiến, bách thắng, thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới; sáng tỏ chân lý – một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng biết đoàn kết và quyết tâm một lòng dưới sự lãnh đạo của  một đảng chân chính, có đường lối đúng đắn sáng tạo thì nhất định thắng lợi./.

_____________________________________

Ghi chú:
1] .Bộ Quốc phòng: Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, Nxb CTQG, t. 9, tr. 15
[2] . Bộ Giáo dục và Đào tạo: Lịch sử Việt Nam, Nxb, Giáo dục, Hà Nội, 2003, t. 3, tr. 118
[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr.488.

Tin khác