Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 14:40

Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6

Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình và bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay

                                                                                      ThS Nguyễn Thị Yến
                                                                                     Trường Chính trị Bến Tre

C.Mác và Ăngghen khi nghiên cứu về vấn đề gia đình đã khẳng định: “Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái” đó là gia đình. Chính sự sản xuất ra đời sống của bản thân mình bằng lao động, cũng như ra đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái, biểu hiện ngay ra là một quan hệ song trùng: Một mặt là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ với xã hội đó cũng chính là gia đình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm về vấn đề gia đình của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng gia đình ở Việt Nam. Người khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.523).

Nhiều thập kỷ qua, cơ cấu xã hội có sự biến đổi nhưng tổ chức của gia đình chưa biến đổi nhiều. Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người, góp phần vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, văn hóa gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Gia đình còn là một thiết chế xã hội, dựa trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, để thực hiện các chức năng sinh học, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng… là “cái nôi thân yêu” che chở và nuôi dưỡng suốt cả đời người. Mẫu gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc hiện nay là ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, hiếu học, làm kinh tế giỏi, biết đóng góp cho xã hội đã trở thành động lực tạo nên nếp sống tốt đẹp của mỗi gia đình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc không tách rời công cuộc giải phóng phụ nữ. Người viết, ông C.Mác nói rằng: Ai biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào? Từ quan điểm tư tưởng của Người mà vị trí của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng cũng được nâng lên một tầm cao mới. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho một xã hội phồn vinh. Người phụ nữ, bên cạnh những đóng góp cho xã hội thông qua những công việc chuyên môn của mình họ còn là nhân tố tích cực, thậm chí là nhân tố quyết định cho một “gia đình tốt” như Bác Hồ từng nói. Tiêu chí về gia đình tốt trong thời đại hiện nay không chỉ dừng lại ở việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

Hiện nay, một gia đình tốt mà trong đó các thành viên phải biết yêu thương, tôn trọng nhau. Do tàn dư của tư tưởng phong kiến, người phụ nữ trong gia đình ngay cả ở thời điểm hiện nay đôi khi bị coi thường, hình ảnh của sự bất bình đẳng khi người phụ nữ vừa phải gánh vác công việc xã hội, vừa phải lo toan việc gia đình, đã thế nhiều chị còn phải chịu cảnh bị bạo hành do có những người chồng vũ phu, cư xử thiếu văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân và gia đình. Người kêu gọi nhân dân bài trừ tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản, thói gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Khi đến dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 3, Người nói: Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận thức rõ địa vị làm chủ và nhiệm vụ làm chủ nước nhà. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, trang 294, NXBCTQG).

Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng để phát triển xã hội. Trân trọng tình cảm gia đình, gìn giữ nếp nhà là một nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình là điều rất cần được coi trọng, trong đó phụ nữ giữ vai trò quan trọng. Ảnh hưởng của người phụ nữ tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống gia đình. Tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ khen tặng đã thể hiện sự đánh giá cao về người Phụ nữ Việt Nam, trong đó có sự ghi nhận sâu sắc những đóng góp trong cuộc sống gia đình, đó là sự tần tảo đảm đang, là sự trung hậu….

Phụ nữ là một nửa của thế giới. Lịch sử đã ghi nhận những tấm gương phụ nữ đầy tài năng, sức mạnh, nghị lực, họ là động lực cho những cuộc cách mạng làm rung chuyển thế giới. Quốc gia nào cũng có những biểu tượng rất đẹp là những người phụ nữ, như Nữ hoàng Cléopetre có một trí tuệ thông minh tuyệt vời, tầm hiểu biết sâu rộng và khả năng thuyết phục có một không hai; Marie Curie – một nhà khoa học vĩ đại; Indira Gandhi (1917 - 1984), người phụ nữ Ấn Độ này đã 3 lần làm Thủ tướng Ấn Độ, là người nối tiếp Nehru trở thành lãnh tụ của cuộc vận động không liên minh thế giới;…Với Việt Nam, thời kỳ nào cũng xuất hiện những người phụ nữ tài danh:

- Trong thời Bắc thuộc, khi đất nước bị phương Bắc đô hộ, những phụ nữ tài danh chính là những người đầu tiên cùng dân tộc đấu tranh giành độc lập, tiêu biểu là Hai Bà Trưng, bà Triệu và nhiều nữ tướng ở khắp các miền quê.

- Trong thời phong kiến, nhiều phụ nữ tài danh đã thể hiện rõ vai trò của mình trong gánh vác non sông, tham gia vào việc điều hành quốc gia đại sự,  biết quyết đoán trong những giờ phút đất nước lâm nguy: Dương Vân Nga; Nguyên phi Ỷ Lan; có những phụ nữ biết dùng khả năng nghệ thuật, tài văn chương để ca ngợi non sông, đất nước, chống lại bất công xã hội: Bà Huyện Thanh quan, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm)…

- Trong thời cận đại, khi đất nước bị ngoại xâm đô hộ, ở Việt Nam tiếp tục xuất hiện những người phụ nữ tài danh. Đó là chủ bút Nguyễn Thị Ngọc Khuê, là những nữ sĩ như Đạm Phương,...biết mang những hiểu biết của mình để đấu tranh bảo vệ nữ quyền, góp phần đòi lợi quyền dân tộc. Đó là những phụ nữ dám vượt qua tư tưởng an phận nữ nhi tham gia phong trào Đông du, là bà Ấu Triệu (Lê Thị Đảm) dám xông pha đấu tranh trực diện trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Và kết tinh của những người phụ nữ tài danh đó là Nguyễn Thị Minh Khai, người nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường đã cống hiến, hy sinh cho đất nước.

- Trong thời hiện đại: Chúng ta có Nguyễn Thị Bình, là một nữ chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam rồi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút kí vào Hiệp định. Bà cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Việt Nam từ 1992 đến 2002; Bà Nguyễn Thị Định, là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đầu năm 1960, bà là một trong những người lãnh đạo phong trào Đồng khởi Bến Tre, là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng khởi đợt I (17/1/1960) ở ba điểm xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp (thuộc huyện Mỏ Cày Nam hiện nay) thắng lợi, mở đầu chophong trào Đồng Khởi trong tỉnh và toàn miền Nam sau này. Từ năm 1987 đến năm 1992, bà giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước,...Còn nhiều lắm những tấm gương sáng của phụ nữ Việt Nam tài danh, chính họ đã tô điểm cho những trang sử của dân tộc mình và cho toàn thế giới.  

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, Người cũng nhận thấy người phụ nữ luôn phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công trong gia đình và xã hội. Thực tế, trong hầu hết các gia đình Việt Nam trước đây, phụ nữ thường bị coi khinh, bị ngược đãi.

Khi nước nhà giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp và Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta quy định: "nam nữ bình đẳng". Mặc dù pháp luật đã quy định rõ, nhưng do tàn tích của lịch sử để lại nên trong nhiều gia đình, phụ nữ vẫn chưa được bình đẳng hoàn toàn với nam giới, họ vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Thấu hiểu nỗi khổ của người phụ nữ dưới chế độ cũ bị ràng buộc khắt khe với những tập tục lạc hậu, đã làm cho người phụ nữ dốt nát, cùng cực, tối tăm, bị coi thường và không có vị trí trong xã hội, phải phụ thuộc vào người chồng và bị cột chặt vào gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội, phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Trong gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích "tam tòng". Vì vậy, cần phải giải phóng phụ nữ thoát khỏi những xiềng xích trói buộc đó, đó chính là nội dung cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ được một nửa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng muốn thực hiện bình đẳng nam, nữ; phòng, chống bạo lực gia đình, trước hết phải giải phóng phụ nữ ra khỏi sự trói buộc của tư tưởng "trọng nam khinh nữ", ra khỏi sự bất công ngay trong gia đình của họ. Người lên án mạnh mẽ quan điểm "đàn bà phải quanh quẩn trong bếp". Người đặc biệt lên án mạnh mẽ các hiện tượng phân biệt đối xử với phụ nữ như: khinh rẻ, coi thường, đánh đập, chửi mắng, hành hạ phụ nữ, ép duyên con gái, đối xử tàn tệ với con dâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải làm tốt công tác vận động phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, chống bạo lực gia đình bởi bạo lực gia đình chính là yếu tố cản trở sự phát triển xã hội. Người chủ trương giải phóng phụ nữ khỏi những bất công, tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền bình đẳng của mình, trước hết là trong gia đình. Điều đó đã tạo động lực cho chị em phụ nữ, thôi thúc họ hăng hái tham gia đóng góp tích cực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH.

Kế thừa, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trong gia đình đối với phụ nữ. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chính là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Gia đình là một tế bào xã hội, gia đình không chỉ bó hẹp ở phạm vi của những mối quan hệ ruột thịt, rộng hơn đó còn là tình cảm dân tộc, đồng loại. Hiện nay trách nhiệm của mỗi người phụ nữ trong đại gia đình Việt Nam lớn hơn nhiều. Họ còn là thành viên của xã hội, có trách nhiệm đóng góp cho xã hội những sản phẩm giáo dục của gia đình có chất lượng, bao gồm tri thức, phẩm chất, sức khỏe…Đồng thời họ cũng góp phần hoàn thiện nhân cách, trình độ của nguồn nhân lực xã hội. Trong gia đình nhỏ họ là chỗ dựa vững chắc của con cái, trong đại gia đình họ vẫn là điểm tựa cho những số phận kém may mắn, bất hạnh. Đất nước ta luôn có những tấm lòng rộng mở, có rất nhiều những bà mẹ nhân ái; những số phận bất hạnh được nâng đỡ trong vòng tay của những người mẹ Việt Nam. Thấm nhuần lời dạy của Bác, “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, sứ mệnh của người phụ nữ Việt Nam vì vậy càng thêm cao cả. Với những phẩm chất cao quý và những đóng góp lớn lao của mình, mỗi người phụ nữ Việt Nam ngày nay sẽ là một nhân tố tích cực trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, xu thế hội nhập đã khiến những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống có nguy cơ bị xói mòn hoặc bị xâm thực. Bên cạnh những biện pháp chung của Nhà nước, mỗi người phụ nữ Việt Nam cũng phải giữ vai trò là người gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những bài học về đạo làm người, về đức hi sinh cao cả, về tấm lòng vị tha sẽ được truyền trực tiếp từ tấm lòng người mẹ đến với những đứa con.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình, nhiều thập kỷ qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản thể hiện rõ quan điểm về vị trí, vai trò đối với vấn đề gia đình, công tác quản lý Nhà nước về gia đình, như: Trong các văn kiện Đại hội Đảng, từ Đại hội VI đến Đại hội XI đều thể hiện rõ quan điểm về công tác gia đình là: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững. Đặc biệt, ngày 21/2/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị chuyên đề số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc lấy ngày 28/6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là dịp mà mỗi chúng ta cần ý thức rằng, xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là việc riêng của mỗi nhà mà còn là trách nhiệm của cả xã hội; gia đình có no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ thì sẽ góp phần tạo nên sức mạnh của đất nước.

Người phụ nữ của một gia đình hiện đại phải là người biết tự nâng tầm nhận thức của mình, ý thức được vai trò của mình trong gia đình và biết tự bảo vệ chính mình. Việc mỗi người phụ nữ trong mỗi gia đình có khả năng giải phóng cho chính mình, cân bằng công việc xã hội và công việc gia đình được coi là một phẩm chất cần thiết để hoàn thiện gia đình. Người phụ nữ của thời đại này còn phải là người biết “giữ lửa”, hâm nóng bầu không khí gia đình. Giữ gìn và thực hiện thiên chức chỉ càng làm cho hình ảnh người phụ nữ trở nên dịu dàng, hiền thục hơn mà vẫn không làm giảm đi sự mạnh mẽ, quyết liệt trong gìn giữ, phát triển hạnh phúc gia đình./.

Tin khác