Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ ba, 30 Tháng 4, 2024 - 14:54

Giải pháp thúc đẩy việc vận dụng có hiệu quả mô hình “Quản lý công mới” (NPM) ở Việt Nam hiện nay

Nguyễn Thị Ngọc Thương
Khoa Nhà nước và Pháp luật

Mô hình “quản lý công mới” (New Public Management - NPM) ra đời vào những năm 80 thế kỷ XX, trước hết ở Anh, Mỹ và hiện đang được triển khai ứng dụng ở hầu hết các nước phát triển với hiệu quả quản lý mang lại khá cao, bởi giá trị ưu việt của mô hình này là thu hút được sự tham gia tích cực của khu vực tư và người dân vào trong quá trình hoạt động quản lý của nhà nước, làm cho nền hành chính nhà nước trở nên công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn. Đã có nhiều nghiên cứu nhằm mục đích vận dụng mô hình này ở các quốc gia khác nhau trên khắp thế giới. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng mô hình này khó vận dụng một cách trọn vẹn ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam mà nguyên nhân chủ yếu là do: Mô hình “quản lý công mới” trước tiên được xây dựng và thực hiện trong điều kiện của các quốc gia phát triển như Mỹ, các nước Tây Âu, Canada, Úc, Nhật Bản,…Đây là những quốc gia có nền kinh tế phát triển rất cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu nhập bình quân của người dân thuộc nhóm các nước đứng đầu trên thế giới. Nguồn lực tài chính dồi dào là lợi thế quyết định đến khả năng đầu tư vào phát triển các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Mặt khác, không chỉ có khu vực công mà tiềm lực của khu vực tư nhân cũng rất lớn. Các quốc gia phát triển là những nước có truyền thống kinh tế thị trường phát triển, là quê hương của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty xuyên quốc gia với khối lượng tài sản khổng lồ và bề dày về kinh nghiệm đầu tư, quản lý,…do đó việc thu hút sự tham gia của khu vực tư vào những lĩnh vực, những dịch vụ công mà nhà nước muốn xã hội hóa là việc không khó thậm chí có thể nói là khá dễ dàng. Song song đó, với trình độ phát triển cao về khoa học công nghệ tạo ra khả năng ứng dụng tốt các thành tựu khoa học công nghệ để giảm sức lao động, tăng năng suất lao động trong hoạt động quản lý của công chức và cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với những đặc điểm trên, các quốc gia phát triển đã sớm xây dựng được một hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn thiện, có tính ổn định cao; tương ứng với nó là ý thức dân chủ, ý thức pháp luật của của đại bộ phận người dân rất cao là những điều kiện vô cùng thuận lợi khiến cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện các giải pháp cải cách hành chính công trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Do sớm xây dựng được một hệ thống các quy định về tuyển chọn, quản lý và sử dụng công chức khá chặt chẽ với tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự đầu vào nghiêm ngặt gắn với từng vị trí công việc,…đã giúp cho các quốc gia phát triển tạo lập được một đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn và ý thức phục vụ cao. Đây là yếu tố có vai trò quyết định đến sự thành công hay thất bại của quá trình chuyển đổi từ hành chính công truyền thống sang mô hình “quản lý công mới”.

Như vậy, với những điều kiện như trên ở các quốc gia phát triển đã sớm chuẩn bị được những tiền đề cơ bản cho quá trình chuyển đổi sang mô hình “quản lý công mới”, nhưng ngược lại với các quốc gia phát triển, việc áp dụng mô hình “quản lý công mới” vào hoạt động quản lý của khu vực công ở các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ không dễ dàng thực hiện. Điều đó xuất phát từ nhiều lý do:

Thứ nhất, đi lên từ nền kinh tế kém phát triển, chưa hình thành đầy đủ các yếu tố của kinh tế thị trường, quy mô nền kinh tế nhỏ là những trở ngại lớn đối với các nước đang phát triển trong nổ lực thực hiện cải cách, hoàn thiện tổ chức tổ bộ máy nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, thực hiện các chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ công chức, đấu tranh phòng chống tham nhũng,…làm trong sạch và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy công quyền cũng như tiến hành các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chuẩn bị những tiền đề cần thiết để thu hút sự tham gia của khu vực tư vào hoạt động xã hội hóa dịch vụ công để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ công phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Thứ hai, sự yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân là nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc cung cấp các dịch vụ công trở nên khó khăn đối với Việt Nam. Sự yếu kém không chỉ là do hạn hẹp của nguồn tài chính, năng lực quản lý mà còn ở tư duy, tầm nhìn chiến lược và khả năng cạnh tranh của khu vực tư.

Thứ ba, khác với các quốc gia phát triển với truyền thống quản lý hành chính lâu đời với hệ thống pháp luật ổn định và đầy đủ, các nước đang phát triển còn thiếu và chưa xây dựng được một hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn chỉnh, một số lĩnh vực quan trọng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, sự chồng chéo, mâu thuẫn, loại trừ lẫn nhau hay chưa có sự tương xứng với những quy định của pháp luật quốc tế,…là những đặc điểm dễ nhận thấy trong hệ thống pháp luật của các quốc gia thuộc nhóm này, mà Việt Nam là một ví dụ rõ nét nhất.

 Thứ tư, ý thức pháp luật của người dân chưa cao, vi phạm quy định pháp luật, thậm chí lợi dụng kẻ hở pháp luật để trục lợi còn xảy ra thường xuyên, cùng với nó là ý thức về các quyền tự do, dân chủ chưa đầy đủ, chưa phát huy ý thức làm chủ của công dân trong đời sống xã hội, nhất là nhận thức về vấn đề bầu cử, ý thức tham gia xây dựng chính sách và thực hiện quyền kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế là những nguyên nhân chính trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền cũng như mở rộng sự tham gia của người dân vào hoạt động của bộ máy chính quyền.

 Thứ năm, với một nền hành chính công truyền thống mang nặng tính quan liêu với bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng nấc; tâm lý ngại thay đổi của đại bộ phận cán bộ, công chức còn rất lớn trong đó có cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt sẽ là một lực cản vô cùng lớn trong quá trình cải cách nếu như các quốc gia đang phát triển không xây dựng cho mình hệ thống các giải pháp thích ứng với đặc điểm tình hình cụ thể của từng quốc gia.

 Thứ sáu, tuy là nhân tố giữ vai trò quyết định trong hoạt động quản lý công nhưng với trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là năng lực lãnh đạo, quản lý và các kiến thức về pháp luật, kinh tế, ngoại ngữ, tin học,…Điều này cản trở rất nhiều khi thực hiện chủ trương phân cấp của trung ương cho chính quyền địa phương…

Từ thực tế trên cho thấy, việc áp dụng mô hình “quản lý công mới” đối với các nước đang phát triển như Việt Nam là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi một quá trình chuẩn bị lâu dài về mọi điều kiện tương ứng với đặc điểm tình hình cụ thể của quốc gia. Trong đó, trước mắt cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, sớm hình thành một hệ thống pháp luật đầy đủ, ổn định, thống nhất, cụ thể, khả thi, đảm bảo yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của các quyết định pháp luật. Thay vì triển khai việc thực hiện phi quy chế hóa như các nước phát triển, công việc trước mắt của Việt Nam hiện nay là nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động lập pháp, lập quy của nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa nói chung và thực hiện các giải pháp đổi mới mô hình quản lý công nói riêng. Trong đó, chú trọng hoàn thiện thể chế về: Cơ chế bảo hiến, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước; phân cấp, phân quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở và những quy định để đảm bảo việc thực hiện trên thực tế các quyền tự do, dân chủ của công dân…

Hai là, đẩy mạnh các hoạt động cải cách hành chính. Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và khai thác có hiệu quả Chính quyền điện tử trong giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, tổ chức và công dân nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước và tăng cường sự hài lòng của người dân trong nỗ lực xây dựng Nhà nước “kiến tạo”. Hoàn thiện chế độ, chính sách về tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và đảm bảo chất lượng các Đề án vị trí việc làm, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình công vụ chức nghiệp sang mô hình công vụ năng động, cạnh tranh để nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng hoạt động thực thi công vụ của  đội ngũ công chức.  

Ba là, đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chia sẻ trách nhiệm cùng với nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo cho cộng đồng. Tăng cường các hoạt động gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ, chính quyền và doanh nghiệp để lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, nhất là việc tiếp cận các nguồn vốn bên ngoài nước để doanh nghiệp “khởi nghiệp” và phát triển. Trong đó, quan trọng nhất và yếu nhất hiện nay vẫn là khâu tổ chức thực hiện những quy định, chính sách và những cam kết của Nhà nước đối với cộng đồng các doanh nghiệp.

Bốn là, tư nhân hóa cung cấp dịch vụ công là một trong những nội dung quan trọng của mô hình “quản lý công mới” nhưng để áp dụng nó vào các nước đang phát triển như nước ta cần có một quá trình chuẩn bị theo từng bước. Trong điều kiện khu vực kinh tế tư nhân còn yếu cả về năng lực tài chính, kinh nghiệm và tầm nhìn chiến lược thì có thể nói việc xã hội hóa từng phần các dịch vụ công nhằm thu hút tối đa các nguồn lực trong xã hội dưới sự kiểm soát của nhà nước vẫn là một trong những phương án tối ưu nhất hiện nay.

Năm là, tâm lý ngại đổi mới và thiếu quyết tâm chuyển đổi là một rào cản vô cùng to lớn dẫn đến sự thất bại của bất kỳ một nỗ lực cải cách nào. Do đó, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong đó có đội ngũ làm công tác lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp về ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng mô hình “quản lý công mới” cũng là một giải pháp mang tính chất căn cơ hiện nay.

Sáu là, tăng cường phát huy dân chủ, mở rộng sự tham gia của Nhân dân vào hoạt động quản lý khu vực công. Hướng đến sự hài lòng của khách hàng và làm như thế nào để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn là mục tiêu bao trùm trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Do đó, mô hình “quản lý công mới” hay sau này là mô hình tiến tiến, hiện đại nào nữa thì việc phát huy quyền làm chủ chủ Nhân dân, huy động và tăng cường mở rộng sự tham gia của Nhân dân vào hoạt động quản lý của Nhà nước luôn là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện tốt mục tiêu và nhiệm vụ này đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và trách nhiệm của người chủ trong tham gia hoạt động quản lý nhà nước mà trước tiên là trong thực hiện quyền bầu cử thiêng liêng, tham gia đóng góp vào dự thảo các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước, giám sát quá trình quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và trong thực hiện quyền bàn bạc, quyết định các vấn đề ở địa phương, cơ cở. Nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện những quy định pháp luật về cơ chế, điều kiện để người dân thực hiện có hiệu quả trên thực tế các quyền của công dân liên quan đến bãi miễn đại biểu dân cử, khiếu nại, tố cáo,…đồng thời nâng cao trách nhiệm, chất lượng và thái độ cũng như cung cách phục vụ người dân của đội ngũ công chức của mình trong tiếp xúc, giao dịch và giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức…

Nói tóm lại, mô hình “quản lý công mới” xuất hiện và đem lại thành công ở nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình này vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia không phải là việc dễ dàng, đặc biệt là các nước đang phát triển như nước ta. Cải cách hành chính là một quá trình lâu dài và phải bắt nguồn từ thực tiễn của mỗi quốc gia, phụ thuộc vào chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và cả những yếu tố khác như truyền thống, văn hóa, lịch sử… của các quốc gia đó. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, để việc đưa mô hình “quản lý công mới” vào quản lý, điều hành khu vực công cần có sự chọn lọc những nhân tố phù hợp và có bước đi cụ thể, chuyển đổi từng bước và thực hiện đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp thì mới đem lại hiệu quả cao nhất./.

Tin khác