Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 00:00

Vai trò của hậu phương, hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Đoàn Thị Mao
Khoa Dân vận

Trong chiến tranh việc xây dựng hậu phương là vô cùng quan trọng, đây là nơi xây dựng và dự trữ tiềm lực của chiến tranh về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, là nơi chi viện nhân lực, vật lực và là chỗ dựa tinh thần cho tiền tuyến. Với vai trò quan trọng ấy, hậu phương đã được các nhà quân sự xây dựng với những mô hình và đặc điểm khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Còn theo V.I.Lênin:“muốn tiến hành chiến tranh một cách thực sự, phải có một hậu phương được tổ chức vững chắc. Một đội quân giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ”(V.I.Lênin toàn tập, tập 35, trang 497). Kế thừa kinh nghiệm truyền thống của cha ông và quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta đã đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển hậu phương làm chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Chiến dịch Điện Biên Phủ là điển hình trong việc phát huy cao độ vai trò của hậu phương trong chiến tranh. Bên cạnh đó, các hoạt động hậu cần cung cấp nhu cầu của tiền tuyến được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi phương án chiến dịch có sự thay đổi từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương đóng vai trò vô cùng quan trọng. Từ đầu năm 1954 hưởng ứng lời kêu gọi “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng…dốc toàn lực chi viện cho tiền tuyến Điện Biên Phủ” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cả nước đều hướng ra mặt trận, cán bộ, nhân dân các khu, các tỉnh đã xốc lên chạy đua với giặc, chạy đua với thời gian, mưa lũ nhằm đảm bảo tốt nhất nhu cầu chiến đấu của bộ đội, nhân dân các vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm đã hăng hái, tự nguyện cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Nhân dân tích cực đóng góp, ủng hộ để tiếp tế cho bộ đội. Nhân dân vùng tạm chiếm không đóng góp bằng hiện vật thì đóng góp bằng tiền. Đi dân công phục vụ chiến dịch trở thành phong trào, các đoàn dân công lên đường với tinh thần hăng hái, phấn khởi, được tổ chức chặt chẽ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều khoản đã huy động tăng gấp đôi so với yêu cầu, hàng nghìn dân công, bộ đội đã làm đường dã chiến với thời gian cực ngắn, trong điều kiện rừng núi khó khăn, lại bị máy bay thực dân Pháp oanh tạc, dân công tiếp tế bằng gánh gồng xe đạp thồ kết hợp cùng cơ giới đảm bảo nhu cầu cho chiến dịch. Đây là việc ngoài dự tính của Pháp, cho rằng ta không thể đảm bảo hậu cầu cho chiến dịch lớn trong thời gian ngắn, làm cho địch lơ là trong phòng bị và đánh giá sai khả năng của ta, tạo cơ hội cho ta tiến đánh địch ăn chắc.

Như vậy, việc huy động được khối lượng nhân, vật lực to lớn chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả của việc xây dựng hậu phương kháng chiến, của đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Sau những năm đầu phải đối phó với các cuộc tiến công lớn và liên tiếp của thực dân Pháp vào các vùng tự do, các căn cứ kháng chiến, ta đã buộc địch phải lui về thế phòng ngự. Các căn cứ và các vùng tự do kháng chiến ngày càng được củng cố vững chắc và mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân ngày càng vững mạnh. Mặt trận Liên Việt đoàn kết được toàn dân tích cực tham gia kháng chiến. Bên cạnh đó, các chính sách kinh tế, tài chính đã tạo điều kiện cho nhiều ngành sản xuất phục hồi và phát triển, nhất là nông nghiệp. Đó là cơ sở quan trọng để xây dựng, củng cố hậu phương kháng chiến về mọi mặt.

Về hậu cần chiến dịch, phải đảm bảo nhu cầu về quân nhu (lương thực, đạn dược), quân y, và hệ thống kho tàng binh trạm bảo đảm nhu cầu cho quân đội chiến đấu, vận chuyển hàng ra mặt trận và chuyển thương binh về hậu phương, sửa chữa cầu đường...Trong điều kiện mặt trận xa hậu phương hàng 5, 7 trăm cây số, đường xá khó khăn, phương tiện thô sơ, thiếu thốn và địch đánh phá ác liệt. Khi nhận thấy phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt, đồng loạt và thọc sâu ban đầu được Bộ Tổng tham mưu phê duyệt nhận thấy không đảm bảo chắc thắng, Tổng chỉ huy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức lại phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Việc điều chỉnh phương châm tác chiến này kéo theo việc phải chuẩn bị lại hậu cần cho chiến dịch, nhu cầu hậu cần sẽ tăng lên gấp nhiều lần và không thể xác định trước thời gian kết thúc chiến dịch. Đồng thời phải bố trí lại sơ đồ các trận địa pháo, phải kéo pháo ra khỏi các sườn núi và kéo lại vào các vị trí mới. Hậu cần ta đã quyết tâm thực hiện và đã thực hiện được với nỗ lực rất lớn. Sau này khi tổng kết về chiến thắng Điện Biên Phủ các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu cả 2 bên đều thống nhất, một trong những nguyên nhân làm nên chiến thắng của ta là đã huy động được rất lớn nguồn lực sức người để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là việc mà thực dân Pháp cho rằng ta không thể giải quyết được.

Ngoài ra thực dân Pháp cũng đánh giá sai khả năng vận chuyển pháo binh của ta khi cho rằng ta không thể mang pháo lớn (pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm) vào Điện Biên Phủ mà chỉ có thể mang loại pháo nhẹ là sơn pháo trợ chiến 75mm. Điều đó làm giảm sự phòng bị của địch và cho thấy khả năng của hậu cần đã làm tốt vai trò vận chuyển.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lực lượng quân đội tham gia chiến đấu khoảng 55.000 người, dân công hỏa tuyến gồm 260.000 người với trên 11 triệu ngày công, phương tiện gồm 628 ôtô, 11.800 thuyền, hơn 20 ngàn xe đạp thồ và hàng ngàn phương tiện vận chuyển thô sơ khác. (Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, Nxb Giáo dục, trang 120). Với khẩu hiệu: “không một quả bom nổ chậm nào bỏ sót, không một đoạn đường nào không sửa được, không một đêm nào để lỡ kế hoạch vận chuyển”, hàng chục vạn dân công làm việc ngày đêm không ngơi nghỉ. Phong trào thi đua “tăng chuyến, tăng tốc” được phát động rầm rộ trên các tuyến đường. Giữa rừng khuya vang vọng những tiến hò kiêu hãnh “thằng Tây tiếp tế máy bay, cũng thua tiếp vận chân tay chúng mình” với khí thế đó, hậu phương đã dốc sức người, sức của và tinh thần phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết quả, hàng chục nghìn tấn vũ khí đạn dược, 27.000 tấn gạo, hơn 1.800 tấn thịt đã được chuyển ra mặt trận. Riêng đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc đã đóng góp được 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt và 31.818 dân công với 1.296.075 ngày công. Thắng lợi của quân và dân ta về quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ là  phản ánh sức mạnh của hậu phương và việc chuẩn bị tốt hậu cần, huy động cao nhất về sức người, sức của cho chiến dịch. Vì thế có thể khẳng định hậu phương, hậu cần là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014) là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định ý nghĩa lịch sử, tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong đó vai trò của hậu phương, hậu cần trong chiến dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được phát huy cao độ góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch. Từ kinh nghiệm xây dựng hậu phương, hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng hậu phương, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ra sức thi đua, phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong thời kỳ mới: Phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tạo mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân. Chỉ trên cơ sở đồng tình ủng hộ và tự nguyện tham gia của nhân dân tạo nên sức mạnh thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, phòng chống hiệu quả âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Tin khác