Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 01:38

Tư tưởng pháp quyền - Phát hiện vĩ đại của nhân loại

Thạc sĩ Võ Thái Bình
Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

Khi bàn về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một số luận điểm cho rằng nhà nước pháp quyền xuất hiện cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản, là thuộc tính vốn có của nhà nước tư sản. Vì vậy, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hoặc là rơi vào trạng thái bế tắc về lý luận hoặc là phải xây dựng nhà nước pháp quyền theo kiểu tư sản như phải tam quyền phân lập, phải đa nguyên đa đảng…

Vậy để khẳng định về mặt lý luận trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta nhất thiết phải tìm hiểu một cách cặn kẽ nội dung, nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển về tư tưởng pháp quyền của nhân loại.

Nhà nước pháp quyền hay còn gọi là Pháp quyền (the rule of law) là một phát hiện vĩ đại của nhân loại. Nhà nước pháp quyền là một phạm trù mang tính lịch sử, nó xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của tri thức nhân loại.

Tư tưởng nhà nước pháp quyền đã xuất hiện từ thời cổ đại mà đại diện tiêu biểu là các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại như Salon, Platon, Aristot, Xixeron,...trong bối cảnh xã hội có đầy rẫy những áp bức bất công, những quyền tự nhiên vốn có của con người hàng ngày hàng giờ bị xâm phạm, mà chủ thể thường xuyên xâm phạm đến những quyền tự nhiên vốn có ấy chính là nhà nước - thiết chế quyền lực công của xã hội. Mà đáng lẽ, quyền lực công ấy phải bảo đảm, bảo vệ chính những giá trị về quyền tự nhiên vốn có và phẩm giá của con người. Trước thực trạng ấy, các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại mong muốn tìm kiếm một phương thức hiệu quả để bảo vệ quyền tự nhiên vốn có, phẩm giá của con người. Từ đó, tư tưởng về Pháp quyền (the rule of law) hay nhà nước pháp quyền xuất hiện.

Theo quan điểm của các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại, nhà nước pháp quyền chính là một xã hội trong đó các quyền tự nhiên vốn có của con người phải được đề lên thành pháp luật. Đồng thời, Nhà nước - thiết chế quyền lực công cũng phải tuân thủ, chịu sự cai trị hệ thống pháp luật ấy. Platon (472 - 347 tr.CN) khẳng định: “Tôi nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của Nhà nước ở nơi nào mà pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền của một ai đó. Còn ở nơi nào mà pháp luật đứng trên các nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là nô lệ của pháp luật thì ở đó tôi thấy có sự cứu thoát của nhà nước”.

Một số tác giả cho rằng ở phương Đông thời cổ đại cũng có tư tưởng pháp quyền và đánh đồng tư tưởng pháp quyền với tư tưởng pháp trị mà đại diện tiêu biểu là Hàn Phi Tử. Tôi cho rằng sự đánh đồng như thế là không phù hợp bởi pháp quyền và pháp trị là hai phạm trù khác nhau cả vệ nội dung, hình thức và mục đích thực hiện.

Các nhà tư tưởng cổ đại Hy Lạp đã có công rất lớn trong việc phát hiện ra quan điểm, học thuyết về nhà nước pháp quyền, nghĩa là phát hiện ra các quyền tự nhiên vốn có của con người và đòi hỏi những quyền tự nhiên ấy phải được đề lên thành pháp luật và sử dụng pháp luật ấy buộc nhà nước phải tuân thủ, thực hiện. Tuy nhiên, các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại chưa thấy được nguồn gốc của những áp bức bất công ấy xuất phát từ chế độ tư hữu, từ bản chất giai cấp của nhà nước và pháp luật. Chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu để xây dựng nhà nước pháp quyền trong thực tiễn.

Thời kỳ trung cổ, sự câu kết giữa thần quyền và thế quyền tạo ra màn đêm bao phủ xã hội loài người, các ngành khoa học, các tư tưởng tiến bộ của nhân loại cũng bị màn đêm ấy che phủ - trong đó có tư tưởng về nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, những khát khao của nhân loại về tự do, dân chủ, về hạnh phúc vẫn tồn tại, thậm chí tồn tại trong chính tư tưởng của những nhà thần học. Mặc dù bị bóng đêm thần học bao phủ nhưng những tư tưởng tiến bộ ấy cũng biểu hiện dưới hình thức này hay hình khác. Thánh Saint Augustin (354-430) khẳng định, quyền lực nhà nước phải được thực hiện như một thứ quyền lực phục vụ. Đó là công cụ để thực hiện tình yêu và sự công bằng,…Saint Thomas D’Aquin (1225-1274) cho rằng trật tự pháp lí đem đến cho con người cái thuộc về họ và làm cho họ có thể đạt đến sự dồi dào về vật chất, tinh thần, xã hội công dân sẽ thay thế xã hội thần dân…

Hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa ra đời mang lại những giá trị to lớn cho nhân loại trong bối cảnh lúc bấy giờ. Đưa nhân loại thoát khỏi “đêm trường trung cổ”, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các ngành khoa học cả tự nhiên và xã hội. Các nhà tư tưởng tư sản mà đại diện tiêu biểu là: J. Locke (1632-1704), T. Hobbs (1588-1679), J.S.Mill (1806-1873), Montesquieu (1689-1755), Rousseau (1712-1788)… Đã bổ sung, phát triển tư tưởng pháp quyền, đưa tư tưởng pháp quyền lên tầm cao mới. Ngày nay, tư tưởng nhà nước pháp quyền không chỉ đạt được những tiến bộ to lớn mà còn được các nước tư bản vận dụng để xây dựng nhà nước pháp quyền tư sản với những thành công rực rỡ.

Theo các học giả tư sản, nhà nước pháp quyền phải bảo đảm các yếu tố sau:

Thứ nhất, nguồn gốc của quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân với học thuyết khế ước xã hội.

Thứ hai, phải có hệ thống pháp luật thể hiện ý chí của nhân dân mà không thể hiện ý chí của nhà nước; hệ thống pháp luật về những quyền tự nhiên vốn có của con người. Trong đó quyền sở hữu là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

Thứ ba, nhà nước ban hành pháp luật (theo ý chí nhân dân) nhưng nhà nước cũng phải tuân thủ triệt để hệ thống pháp luật ấy.

Thứ tư, quyền lực nhà nước phải được kiểm soát thông qua các thiết chế và cơ chế phù hợp nhằm ngăn chặn xu hướng lạm quyền, độc tài cho dù đó là độc tài cá nhân hay quả đầu chế (độc tài của nhóm người).

Để thực hiện tốt các nội dung trên, các học giả tư sản cho rằng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải thực hiện triệt để các nội dung sau:

- Phải xây dựng Hiến pháp thành văn quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân - gắn liền với những quyền tự nhiên vốn có của con người.

- Quyền tự do, dân chủ là là tất yếu, những quyền này gắn liền với xã hội dân sự, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội…

- Quyền lực nhà nước phải được kiểm soát bởi chính cơ chế bên trong của nó (tự kiểm soát). Muốn vậy phải thực hiện tam quyền phân lập để xây dựng cơ chế đối trọng, kiểm soát quyền lực giữa các nhánh thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo nguyên tắc “tham vọng phải được sử dụng để chống lại tham vọng”.

- Để hạn chế sự chuyên quyền và độc tài đòi hỏi phải có đa nguyên về chính trị và đa đảng đối lập, tạo cơ chế cạnh tranh trong lãnh đạo nhà nước, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo cao hơn, dân chủ hơn.

- Phải có một hệ thống tư pháp độc lập trong xét xử, có quyền giải thích luật, đối trọng với bộ máy thực hiện quyền hành pháp và quyền lập pháp

- Mọi chủ thể trong xã hội phải bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền hay ưu tiên.

Tóm lại, các học giả tư sản đã phát triển tư tưởng nhà nước pháp quyền lên tầm cao mới, xác định đầy đủ hơn nội dung, tính chất của nhà nước pháp quyền, hình thức để kiểm soát quyền lực nhà nước và cách thức xây dựng nhà nước pháp quyền tư sản. Thực tế, học thuyết về nhà nước pháp quyền tư sản đã được vận dụng vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền và đạt được những thành công nhất định đối với các nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên không hiểu vô tình hay cố ý, các học giả theo hệ tư tưởng tư sản không thấy được bản chất giai cấp của nhà nước, của pháp luật và nguồn gốc sâu xa của mọi áp bức bất công, khổ đau của nhân loại chính là ở chế độ tư hữu.

Kế thừa và phát huy những giá trị tư tưởng của nhân loại, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin không những thừa nhận mà còn có những đóng góp to lớn vào lý luận về nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân.

Trong toàn bộ học thuyết đồ sộ của mình về Triết học, Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin tuy không dành riêng một phần hay chương nào để nói về nhà nước pháp quyền nhưng trong toàn bộ kho tàng đồ sộ ấy, tư tưởng về một nhà nước pháp quyền kiểu mới, nhà nước pháp quyền của giai cấp công nông đã xuất hiện nhiều lần, phản ánh đầy đủ nội dung và tính chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Không như các học giả tư sản, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin khi bàn về nhà nước pháp quyền đều khẳng định nhà nước pháp quyền, pháp luật của nhà nước ấy (thừa nhận hoặc ban hành) đều là sản phẩm của giai cấp và mâu thuẫn giai cấp, không có nhà nước pháp quyền, pháp luật chung chung, không mang bản chất giai cấp. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph. Ăngghen đã kết luận: “Pháp quyền của các ông chỉ là ý chí của giai cấp các ông được đề lên thành pháp luật, cái ý chí mà nội dung là do những điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định”.

Những tư tưởng cốt lõi về nhà nước pháp quyền trong học thuyết Mác- Lênin:

Một là, bản chất dân chủ trong nhà nước. Theo chủ nghĩa Mác thì dân chủ là “nhân dân nắm chính quyền”. Nghĩa là nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, nhân dân tạo nên nhà nước chứ không phải nhà nước tạo nên nhân dân. Mác viết: “Chế độ dân chủ xuất phát từ con người và biến nhà nước thành con người được khách thể hóa. Cũng giống như tôn giáo không tạo ra con người mà con người tạo ra tôn giáo, ở đây cũng vậy: Không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra nhà nước

Hai là, chủ thể quyền lực nhà nước phải thuộc về đa số - Nhân dân. C.Mác chỉ ra sự khác biệt cơ bản giữa dân chủ vô sản và dân chủ tư sản, phê phán sự hạn chế của dân chủ trong nhà nước tư sản. Dân chủ tư sản dù có tiến bộ hơn rất nhiều so với các chế độ dân chủ trước nó nhưng dân chủ tư sản vẫn là dân chủ của số ít thuộc giai cấp tư sản để bóc lột đa số nhân dân là giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đó là dân chủ giả hiệu, chỉ có dân chủ xã hội chủ nghĩa mới thật sự là dân chủ cho số đông, cho nhân dân thật sự, quyền lực nhà nước phải thuộc về số đông ấy.

Ba là, bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân rộng rãi trong nhà nước pháp quyền. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mac luôn khẳng định bản chất giai cấp của nhà nước và pháp luật, đồng thời thấy được tính xã hội của nhà nước và pháp luật. Vì vậy, trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng một một nhà nước mang bản chất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nghĩa là phải xây dựng nhà nước để phục vụ cho số đông, của toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo bởi chính đảng của giai cấp công nhân - Đảng Cộng sản.

Thứ tư, trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả, sự kiểm soát ấy phải xuất phát từ nhân dân - chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Qua nghiên cứu nội dung, tính chất, quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng pháp quyền chúng ta có thể rút ra một số kết luận như sau:

Thứ nhất, tư tưởng pháp quyền là giá trị của nhân loại đã được phát hiện ra từ lâu - ngay từ thời cổ đại. Các học giả tư sản đã có công phát triển tư tưởng ấy lên tầm cao mới có giá trị thiết thực hơn tư tưởng pháp quyền thời cổ đại để vận dụng vào quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền tư sản.

Thứ hai, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Như đã nói, tư tưởng về nhà nước pháp quyền là giá trị chung của nhân loại nên việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phù hợp với xu thế tiến bộ của xã hội; việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải gắn với bản chất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân tộc - gắn với sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Việt Nam với nguyên tắc nguồn gốc của quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân kiểm soát quyền lực ấy thông qua các thiết chế của hệ thống chính trị.

Thứ ba, nhận thức đầy đủ những tư tưởng cốt lõi về nhà nước pháp quyền trong học thuyết Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tạo nền tảng lý luận trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời khẳng định, định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta lựa chọn là đúng đắn và phù hợp với xu thế của thời đại.

Tóm lại, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là một xu thế khách quan không những phù hợp với xu thế của thời đại mà còn là khát vọng của nhân dân ta, dân tộc ta. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là giải phóng giai cấp, giải phóng con người, hướng con người đến tự do, ấm no và hạnh phúc. Trong quá trình thực hiện mục tiêu ấy, xây dựng Nhà nước pháp quyền phải đặt dưới sự lãnh đạo của chính đảng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Tin khác