Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 15:15

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cách mạng Việt Nam

Trần Văn Hòa
                                                                                       Khoa Xây dựng Đảng

Cách mạng Tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống lâu đời chiến đấu vì độc lập, tự do, quyết không chịu làm nô lệ. Cách mạng Tháng Tám là kết quả tám mươi năm đấu tranh không ngừng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn và đầy sáng tạo của Đảng ta đã gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Cách mạng Tháng Tám đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với những tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.Lênin, Hồ Chí Minh, với xu hướng của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Giá trị lớn lao của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là không có một cuộc vận động nào thể hiện tinh thần anh dũng, quật cường và sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc Việt Nam như là Cách mạng Tháng Tám. Nó không những giật tung được xiềng xích của bọn đế quốc phát xít, mà còn lật nhào được chế độ quân chủ trên đất nước ta hàng chục thế kỷ, làm cho nước Việt Nam thành một nước cộng hòa dân chủ, đưa dân tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong. Ngoài ra, Cách mạng Tháng Tám còn chọc thủng được hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở một mắc xích yếu nhất của nó, mở đầu cho một quá trình tan rã không thể cứu vãn được của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Cuộc gặp gỡ giữa dân tộc Việt Nam và thời đại bắt đầu vào cuối năm 1920 khi Nguyễn Ái Quốc tìm thấy chủ nghĩa Mác-Lênin đã mang lại những kết quả to lớn tạo thành di sản và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Đó là con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc Việt Nam phải dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc, coi “công nông là gốc của cách mạng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb chính trị quốc gia -  sự thật, H 2011, tr 288) dưới sự lãnh đạo của đội tiền phong của giai cấp công nhân; khi chủ nghĩa đế quốc trở thành kẻ bóc lột, thống trị toàn thế giới thì công cuộc giải phóng dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ với các dân tộc bị áp bức, các dân tộc thuộc địa, đoàn kết với phong trào công nhân và nhân dân lao động ở các nước đế quốc đã làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công vang dội.

Đảng ta, với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc phát triển lên một nấc thang mới - gắn liền với giải phóng đông đảo nhân dân lao động, đáp ứng lợi ích cơ bản và cấp bách của nhân dân lao động là độc lập, tư do, cơm áo và hòa bình. Vì vậy, đã tạo nên lực lượng mới, sức mạnh mới cho dân tộc ta từ những năm 30, nhất là từ khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu.

Xuất phát từ việc nghiên cứu quy luật mâu thuẫn, quy luật phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản, trong giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, về khả  năng cách mạng thắng lợi ở những nước - khâu yếu nhất trong sợi dây xích của chủ nghĩa đế quốc, do Lênin đề ra, Đảng ta đã đặt phong trào cách mạng nước ta vào điều kiện của chiến tranh và cách mạng, vào so sánh lực lượng giữa ta và bọn thống trị Đông Dương, giữa phe dân chủ và bọn phát xít thế giới.

Đảng ta nhận định chiến tranh thế giới sẽ gây ra thảm họa lớn lao cho loài người trong đó có nhân dân Việt Nam nhưng cũng làm cho nhân dân lao động nhanh chóng giác ngộ đi vào con đường cách mạng để tự cứu mình; chiến tranh thế giới sẽ làm suy yếu bọn đế quốc, tạo điều kiện cho cách mạng thắng lợi. “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc, t.7, tr100.).

Đảng ta chủ trương tiến hành cuộc vận động giải phóng dân tộc ngay trong điều kiện Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Một mặt Đảng tranh thủ lực lượng tiến bộ như khi Liên Xô cùng một số nước tư bản chủ nghĩa thành lập phe Đồng minh, thì chủ trương cách mạng Đông Dương đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Mặt khác, Đảng ta biết lợi dụng mọi mâu thuẫn giữa các nước tham chiến, giữa các nước đế quốc với đế quốc để tìm ra những khâu yếu nhất.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Pháp là một khâu yếu trong sợi dây xích của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Trong hệ thống thuộc địa của Pháp thì Đông Dương là khâu yếu nhất. Ngay tại chính quốc, Pháp đã bị phát xít Đức xâm lược và phải lập chính phủ bù nhìn tay sai cho Đức. Ở Đông Dương, Pháp phải từng bước đầu hàng phát xít Nhật, cuối cùng bị Nhật truất quyền thống trị.

Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam và bọn thống trị rất sâu sắc, ngày càng gay gắt, biểu hiện ở chỗ bọn phát xít ra sức khủng bố phong trào cách mạng ngày càng lan rộng và lên rất cao. Phân tích tình đó, Đảng ta chú trọng lãnh đạo xây dựng lực lượng của nhân dân, chủ động giành lại chính quyền, độc lập cho dân tộc. Trong Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, có một đoạn đề cập như sau: Dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc tổng khởi nghĩa của ta; vì như thế là ỷ lại vào người và tự bó tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện. Nếu cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh Nhật mất tinh thần thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi.

Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám của Việt Nam thành công đã chứng minh những nhận định và hành động của Đảng ta vô cùng sáng suốt và có tính chủ động sáng tạo rất cao, đồng thời cũng thể hiện tính chất triệt để của cách mạng.

Tiến hành đấu tranh cách mạng trong điều kiện một nước thuộc địa, nửa phong kiến với chế độ cai trị vô cùng hà khắc và với bộ máy đàn áp khủng bố rất lớn, Đảng ta đã khẳng định chỉ có con đường duy nhất để giải phóng dân tộc là con đường cách mạng bạo lực.

Đảng ta đã vận dụng tư tưởng cách mạng bạo lực của chủ nghĩa Mác-Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga và cách mạng thế giới một cách sáng tạo vào hoàn cảnh nước ta, để tiến hành Cách mạng Tháng Tám bằng bạo lực cách mạng của quần chúng.

Nhận thức đúng chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng ta luôn luôn chú trọng xây dựng cả hai lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, kết hợp cả các hình thức đấu tranh chính trị và quân sự để khởi nghĩa giành chính quyền. Trong quá trình xây dựng lực lượng, lúc đầu trọng tâm  công tác của Đảng là ra sức tuyên truyền tổ chức quần chúng vào các đoàn thể cứu quốc, rồi lựa chọn những người hăng hái nhất trong các tổ chức cứu quốc để xây dựng các tổ chức nửa vũ trang và vũ trang. Tổ chức chính trị của quần chúng ngày càng lớn mạnh thì các tổ chức nửa vũ trang, vũ trang cũng dần dần phát triển như các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu, tổ bí mật quân sự hóa, đội tuyên truyền vũ trang, đội trừ gian và đội du kích. Những đơn vị du kích tập trung đến mức nào đó thì các đơn vị tiền thân của quân đội ra đời, như Việt Nam Tuyền truyền giải phóng quân, Việt Nam Cứu quốc quân, Việt Nam giải phóng quân. Lực lượng vũ trang thành lập trên cơ sở lực lượng chính trị đã được xây dựng vững chắc, do Đảng lãnh đạo. Hoạt động của lực lượng vũ trang có tác dụng làm chỗ dựa cho phong trào chính trị và thúc đẩy phong trào ngày càng cao.

Về hình thức hoạt động, Đảng ta cho rằng hình thức cơ bản của cách mạng bạo lực là kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; việc kết hợp các hình thức đấu tranh đó phải linh hoạt, thích hợp với từng lúc, từng nơi, từng thời kỳ để đánh đổ kẻ thù.

Trong cao trào tiền khởi nghĩa, Đảng ta đã kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với nổi dậy của quần chúng tiến hành khởi nghĩa từng phần thành lập chính quyền cách mạng địa phương; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, phá kho thóc cứu đói, giải quyết yêu cầu cấp bách của quần chúng, đẩy địch vào thế lúng túng bị động và hoang mang tan rã...

Cách mạng Tháng Tám cũng đã kết hợp cả phong trào nông thôn với phong trào thành thị, Đảng ta dựa vào nông thôn, rừng núi để xây dựng căn cứ địa nhưng vẫn rất coi trọng việc củng cố và phát triển phong trào cách mạng ở thành thị, khi có tình thế cách mạng, nông thôn là nơi bộ máy cai trị của địch lung lay và khủng hoảng sớm nhất, với lực lượng cách mạng đã được chuẩn bị, ta đã tiến hành khởi nghĩa từng phần, phá vỡ từng mảng hệ thống cai trị của địch, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng những căn cứ địa trở thành những bàn đạp cho cuộc tổng khởi nghĩa và khi thời cơ tổng khởi tới, thành thị đã chủ động và kịp thời với nông thôn nổi dậy giành chính quyền cả nước.

Tóm lại, Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã sáng tạo ra những bài học lịch sử góp phần xây dựng kho tàng lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến lâu dài chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công chứng tỏ rằng trong thời đại ngày nay, một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa do toàn dân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-Lênin, có đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại thì hoàn toàn có khả năng thắng lợi. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của những nhân tố bên trong là lực lượng toàn dân đoàn kết do Đảng lãnh đạo và nhân tố bên ngoài là thắng lợi của Liên Xô đánh bại phát xít Nhật; là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng kết hợp với trí sáng tạo, tinh thần dũng cảm và sức mạnh đấu tranh của nhân dân ta; là kết quả của ba cao trào cách mạng lớn do Đảng lãnh đạo. Quan trọng hơn cả là Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam./.

Tin khác