Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 05:06

Những yếu tố tâm lý trong giao tiếp đối với cán bộ làm công tác dân vận

ThS Phạm Huỳnh Minh Hùng
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác vận động quần chúng. Trong tác phẩm “Dân vận” với bút danh X.Y.Z đăng trên báo Sự thật, số 120 ngày 15/10/1949, Người viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Chính vì thế, công tác dân vận luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cho nên, đối với cán bộ làm công tác dân vận đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố thì công tác vận động quần chúng mới đạt hiệu quả cao. Ngoài việc người làm công tác dân vận phải có trình độ, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có vốn thực tiễn phong phú, có lòng nhiệt tình và tâm huyết,…thì việc nắm bắt những yếu tố tâm lý và kỹ năng xử lý các tình huống tâm lý trong hoạt động giao tiếp, nhất là giao tiếp với quần chúng, là rất cần thiết, góp phần quan trọng cho sự thành công của công tác dân vận.

Giao tiếp hiểu một cách khái quát là sự tiếp xúc giữa hai hay nhiều người nhằm trao đổi thông tin, tình cảm, sự hiểu biết cũng như sự tác động qua lại và điều chỉnh lẫn nhau. Như vậy, trong giao tiếp người ta thông báo cho nhau những vấn đề cần thiết mà cả hai bên cùng quan tâm. Những mệnh lệnh, chỉ thị từ cấp trên đưa xuống; những nguyện vọng, đề đạt của cấp dưới đối với lãnh đạo hay quần chúng nhân dân với chính quyền. Những mong muốn, nhu cầu của con người cũng được thực hiện thông qua quá trình này.

Trong quá trình giao tiếp để tạo được sự thân thiện, mỹ cảm của mọi người qua đó hoàn thành được mục đích đề ra thì từng cán bộ, đảng viên trong công tác vận động quần chúng cần nên quan tâm đến những vấn đề sau:

-Thứ nhất, cần xác định đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng giao tiếp.

Mỗi nhóm đối tượng giao tiếp khác nhau có tâm lý khác nhau. Cho nên cần nắm bắt tâm lý của từng nhóm đối tượng để thuận lợi trong tiếp cận và có cách ứng xử cho phù hợp nhằm khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, sức mạnh của từng nhóm đối tượng trong các phong trào hành động cách mạng. Chẳng hạn như cán bộ làm công tác dân vận khi tiếp xúc với người cao tuổi thì cần thể hiện thái độ cung kính, lễ phép, phải “kính lão đắc thọ”, luôn thể hiện sự cần thiết phải học hỏi từ các vị cao niên, luôn thể hiện sự chú ý lắng nghe, nói ít nghe nhiều, tuyệt đối đừng tranh luận với người cao tuổi. Đó vừa là đạo lý và cũng là nghệ thuật trong giao tiếp. Đối với phụ nữ thì cần lịch sự, tế nhị, nghiêm túc, ga lăng, đừng tiết kiệm lời khen tặng (phụ nữ yêu bằng tai). Chê bai phụ nữ là một điều tối kị. Trí thức là những người có học vấn, sự hiểu biết cao lại dễ bị tổn thương và rất sĩ diện. Nên khi tiếp xúc với trí thức cán bộ làm công tác dân vận cần luôn tôn trọng và đánh giá đúng mức về vị trí xã hội và tiếp thu những ý kiến đóng góp của họ dù có thể đó là những ý kiến có tính chất phản biện nhưng chân tình, tâm huyết và có trách nhiệm. Đồng bào dân tộc thiểu số là những người rất thật thà, chất phác và tốt bụng. Cho nên, cán bộ dân vận khi tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số không có lý do gì lại giữ kẽ, khách sáo và điều quan trọng là phải thấu hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ sẽ là điều kiện quan trọng để thâm nhập với đồng bào dân tộc. Đối với trẻ con thì cần gần gũi, ôn tồn, thân thiện và hãy xem mình là người bạn đáng tin cậy của các em…

- Thứ hai, luôn thể hiện sự thân thiện và quan tâm đến đối tượng giao tiếp.

Cán bộ làm công tác dân vận trong khi giao tiếp cần có thái độ cởi mở, thần sắc phải tươi vui và hãy nhìn vào đối tượng khi đang trao đổi, trò chuyện. Điều đó cũng có nghĩa là nên tránh thái độ lạnh nhạt, hờ hửng, lơ đểnh. Người dân khi chủ động gặp cán bộ thì thường là trong tâm trạng bức xúc về một vấn đề gì đó và qua tiếp xúc là dịp để tâm sự, giải bày và mong được cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ từ cán bộ. Cho nên, về mặt tâm lý, bản thân ta sẽ có cảm giác như thế nào khi ta đang nói chuyện nhưng người đối diện lại không quan tâm, không để ý đến điều ta đang nói. Trong trường hợp này nếu bản thân ta có cảm giác khó chịu, không hài lòng thì đối với người dân cũng tương tự như thế và còn hơn thế. Mặt khác, hãy bày tỏ sự quan tâm, nên hỏi thăm và biết lắng nghe để cảm thông và chia sẻ một cách chân tình với người dân, thật sự vui với niềm vui của người dân và thật lòng đau với nỗi đau của quần chúng. Vậy vấn đề cần quan tâm ở đây là gì? Trong cuộc sống có nhiều vấn đề mà người làm công tác dân vận có thể quan tâm như về sức khoẻ, gia đình, công việc, học tập, đời tư,...Tuy nhiên, điều cần lưu ý đó là quan tâm để đồng cảm và nếu giúp đỡ, hỗ trợ được thì càng tốt. Điều này hoàn toàn khác với “quan tâm” theo kiểu soi mói, thiếu thiện chí hay khai thác nắm bắt thông tin để cố ý xúc xiểm, nói xấu quần chúng. Nếu cán bộ dân vận mà có động thái như thế thì trong công tác vận động quần chúng sẽ nhận lấy sự thất bại là điều không tránh khỏi. Đồng thời, không phải vấn đề gì cũng hỏi, cũng tìm hiểu trong mọi lúc, ở mọi nơi. Có những việc của người khác nhất là những vấn đề có tính chất tế nhị thì ta không cần phải biết và cũng không nên biết.

- Thứ ba, luôn biết lắng nghe, nghe nhiều nói ít và đừng tiếc lời khen ngợi.

Tạo hóa đã quy định cho con người có hai tai và chỉ có một cái miệng chứ không phải ngược lại nhưng trên thực tế tâm lý con người lại thích nói nhiều và nghe ít. Trong giao tiếp khi có người nói thì phải có người nghe. Nhưng trên thực tế đôi khi có tình trạng là mạnh ai nấy nói. Thế thì tại sao ta không làm đúng theo như những gì mà tự nhiên đã quy định đó là hãy nói ít lại và nên nghe nhiều hơn để tạo mỹ cảm, để chia sẻ, động viên nhau. Qua đó, việc chú ý lắng nghe còn là biểu lộ thái độ cầu thị, ham học hỏi và tôn trọng người nói. Hơn nữa, khi ta lắng nghe một cách chăm chú thì về mặt tâm lý người nói cảm thấy rất hứng thú và dĩ nhiên rất có cảm tình với ta. Điều này rất cần thiết và có lợi rất nhiều khi ta triển khai, tuyên truyền một kế hoạch, chủ trương hay phong trào nào đó.

Bên cạnh đó, con người phần đông có tâm lý thích được khen. Cho nên lời khen như một lẽ tự nhiên là một yếu tố tinh thần to lớn. Khi được khen con người có thêm động lực và cũng là niềm tự hào cho bản thân và gia đình để qua đó tiếp tục phấn đấu tốt hơn trong công việc, trong lao động và học tập. Vì vậy, cán bộ dân vận hãy tìm kiếm những điểm nào đó phù hợp trong các phong trào hành động cách mạng của quần chúng để có những lời biểu dương, khen ngợi kịp thời, chẳng hạn như về một nghĩa cử cao đẹp hay một cách làm hay trong sản xuất,…để nhân rộng các điển hình tiên tiến. Nhưng khen cũng là một nghệ thuật. Khen phải chân thật chứ không phải khen “đểu”. Khen phải đúng người, đúng việc, đúng nơi, đúng lúc, đúng mức độ nếu không dễ dẫn đến phản tác dụng đặc biệt đối với những người dân có lòng tự trọng cao. Mặt khác, khi nhận xét, đánh giá hay góp ý cần thực hiện nguyên tắc: Khen trước, chê sau; khen nhiều, chê ít; ưu điểm là chủ yếu, hạn chế là thứ yếu; khen có thể nói trước đám đông, nhưng chê - nếu được - thì nên trao đổi riêng ngoại trừ việc sai phạm đã quá rõ ràng không thể phủ nhận, lẫn tránh.

- Thứ tư, cần quan tâm đến hình thức trong quá trình giao tiếp.

Khi cán bộ dân vận tiến hành hoạt động tiếp xúc với người dân thì cũng cần quan tâm đến các yếu tố của hình thức như: Đầu tóc, quần áo, giày dép,…sao cho gọn gàng, sạch sẽ, nghiêm túc, chỉnh chu. Cần tránh cả hai hình thức cực đoan không phù hợp hoặc là quá loè loẹt, đồng bóng hoặc là quá nhết nhác, tềnh toàng. Người dân sẽ có cảm nhận như thế nào khi trong một buổi diễn thuyết vận động quần chúng xây dựng nếp sống văn hóa mà người lãnh đạo mặc bộ trang phục nhàu nát, đầu tóc bù xù, cơ thể bốc mùi mồ hôi…Trên thực tế, tuỳ vào hoàn cảnh giao tiếp cụ thể mà người làm công tác dân vận có sự chuẩn bị về hình thức cho phù hợp, tránh gây phản cảm. Ví dụ như trang phục giao tiếp trong đám tang hay đi thực địa trong phòng chóng lụt bão khác khi dự đám cưới, dự hội nghị khác dạ hội, đi làm ở công sở khác với đi dã ngoại, picnic…

Để hoạt động giao tiếp luôn đạt hiệu quả cao thì đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung và cán bộ làm công tác dân vận nói riêng ngoài tài năng, đức độ, uy tín thì một điều quan trọng không thể thiếu đó là phải có nghệ thuật lãnh đạo, quản lý và nhất là nắm bắt được các yếu tố tâm lý, tình cảm của các nhóm đối tượng giao tiếp và có nghệ thuật, phương pháp giao tiếp khéo léo, thu phục được đắc nhân tâm là chìa khóa của sự thành công trong công tác vận động quần chúng./.

Tin khác