Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 06:22

Những ghi nhận qua buổi học về cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay

Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến

Trưởng khoa Dân vận Trường Chính trị

 

Là một giảng viên của môi trường chính trị, tôi cũng nhiều lần được đứng lớp, nhiều lần được nghe một số giảng viên giảng dạy, mỗi người Thầy, người Cô đều có điểm hay riêng của mình, có tính độc đáo được thể hiện qua từng nội dung bài giảng, và sáng hôm nay, tôi cùng các học viên của lớp nguồn Tỉnh ủy khóa 1 đã “thưởng thức” một bài học rất tuyệt vời từ Tiến sĩ Võ Thành Khối, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, thành phố Hồ Chí Minh báo cáo.

Về tác phong của Thầy: Tôi nghĩ rằng không chỉ Thầy là người Bến Tre nên có sự ứng xử, giao tiếp gần gũi, tự nhiên và giản dị. mà đó là bản chất có từ trong con người của Thầy. Khi vào lớp với phong cách nhanh nhẹn, chân tình, sử dụng giọng giảng gần với người nghe, không khách sáo và Thầy tập trung ngay vào vấn đề cần giảng, dẫn dắt người nghe tiếp cận bài học rất tự nhiên, dễ hiểu. Chính điều này giúp cho người học có tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng trong suốt buổi lên lớp. Đây là điều mà giảng viên chúng tôi cần học tập.

Về phương pháp giảng dạy: Thầy sử dụng phương pháp truyền thống nhưng trong đó có sự cải tiến về phương pháp tùy từng nội dung, từng vấn đề trao đổi. Cách giảng dễ nhớ, dễ hiểu nhất của Thầy là dạng sơ đồ, Thầy đã sử dụng để mô tả, giải thích vấn đề trọng tâm và mở ra cho người học định dạng những kiến thức liên quan đến bài giảng. Để học viên nắm bài rõ và tốt hơn, Thầy đã nêu ra những ví dụ sát với từng nội dung, Thầy vừa đặt câu hỏi vừa giải thích với lối gợi mở và thái độ trân trọng đã giúp người học có niềm tin khi nêu ý kiến của mình.. ,..Chính điều này, tôi thấy giảng viên chúng ta cần tham khảo để rèn luyện cho mình trong quá trình lên lớp.

Về nội dung bài giảng: Với bài học cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay. Ngoài những kiến thức mang tính lý luận có trong giáo trình, Thầy đã mở ra cho chúng tôi những nội dung trọng tâm cần nắm, đó là cải cách hành chính ở nước ta là gì? Để giải quyết vấn đề đặt ra, phải lý giải rõ từng từ ngữ, cụm từ, khái niệm…liên quan; phải nhận thức mối quan hệ giữa các nội dung với nhau, và cần thiết phải quay trở về với bài giảng để thấy sự gắn kết của nó. Ví dụ: Khi đặt câu hỏi trên, Thầy đã dẫn dắt lớp xem xét cách tiếp cận thế nào? Đặt nó vào môi trường đang diễn ra để từ đó trả lời cho được 05 vấn đề sau:

Thứ nhất, cải cách hành chính là công việc thường xuyên của bất kỳ nhà nước nào để nâng cao năng lực quả lý nhà nước đáp ứng được những thay đổi của thế giới và trong nước. Chức năng cơ bản của nhà nước là kiến tạo và phát triển, điều đầu tiên xã hội cần phải ổn định.

Để lý giải nội dung trên, Thầy đã xem xét tình hình trong nước và thế giới về những thay đổi nghiêm trọng. Ví dụ Thầy đã giới thiệu một số thay đổi như:

+ Trình độ dân trí ngày càng cao, người dân có khả năng tiếp cận ở qui mô toàn cầu.. Điều này đặt ra cho cán bộ chúng ta phải nâng cao sự hiểu biết của mình về năng lực, trình độ, từ đó mới đáp ứng được công tác của người cán bộ của dân trong giai đoạn hiện nay.

+ KH-CN phát triển rất nhanh, điều này thể hiện qua tốc độ phát minh trong lĩnh vực công nghệ ngày càng nhanh chóng, từ đó mang lại những thành tựu to lớn song không tránh khỏi những thử thách, trở ngại trong việc quản lý khoa học-công nghệ, kịp thời hạn chế sự ảnh hưởng do lợi dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, như vấn đề nhân bản vô tính. Do vậy, để bảo vệ đời sống nhân dân, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh cho xã hội, cần thiết phải tăng cường quản lý nhà nước, nhất thiết phải cải cách nền hành chính nhà nước…

Thứ hai, cải cách hành chính ở nước ta là giải pháp hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của nhà nước. Đây là một nội dung rất quan trọng trong công cuộc đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.

Thứ ba, cải cách hành chính vừa là điều kiện, vừa là động cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong điều kiện mới. Có cải cách hành chính thì sự phát triển kinh tế mới diễn ra thuận lợi.

Qua cách giảng, thầy yêu cầu phải lý giải được câu hỏi: Tại sao cải cách hành chính vừa là điều kiện, vừa là động cơ? Nếu cơ chế quản lý phù hợp với cơ cấu nền kinh tế sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế quốc dân phát triển; ngược lại nó sẽ tác động kiềm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Mặt khác để nội dung lý giải mang tính thuyết phục cao, cần thiết phải soi vào thực tế tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Tôi rất tâm đắc khi Thầy kết luận rằng: hiện nay, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng vẫn còn ẩn chứa quá nhiều dấu vết của cơ chế tập trung, vẫn còn cơ quan chủ quản. Đây chính là lý do nền kinh tế của ta vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Cách tốt nhất để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải bằng việc cải cách hành chính nhà nước. Đây là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước trong tình hình mới hiện nay.

Thứ tư, cải cách hành chính ở Việt Nam chính là giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Để làm rõ vấn đề, Thầy đã định hướng góc độ tiếp cận cho học viên về hội nhập quốc tế chính là chấp nhận sự cạnh tranh và được xác định bởi ba yếu tố:

Thứ nhất, cạnh tranh hàng hóa cần đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý.

Thứ hai, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp: cần đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến và có công nghệ quản lý. Ngoài ra phải chú trọng nguồn nhân lực, vốn, kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Thứ ba, cạnh tranh cấp độ quốc gia mang tính quyết định. Trong đó có 4 yếu tố đó là Chính phủ, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, người lao động. Trong 4 yếu tố này Chính phủ giữ vị trí hàng đầu với 4 yêu cầu: * Thể chế kinh tế của Chính phủ đó * Mức độ trong sạch của Chính phủ * Tầm nhìn của Chính phủ * Năng lực hoạch định chính sách của Chính phủ

Thứ năm, cải cách hành chính có hiệu quả để phòng ngừa, ngăn ngừa tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Nội dung lý giải của Thầy về tham nhũng rất dễ hiểu, rõ ràng. Theo Thầy, Tham nhũng là một hành vi thiên vị khi giải quyết công việc nhằm cố tình trục lợi. Khi tiếp cận khái niệm trên, theo Thầy phải lý giải rõ những thông tin:

*Tham nhũng xem xét là hành vi thiên vị, đó là biểu hiện của sự ưu tiên, vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch, để những quan hệ riêng tư, cá nhân xen vào, đây là điều kiện dẫn đến tham nhũng. Tham nhũng biểu hiện bằng mục tiêu, mục đích trục lợi với sự cố tình, mua và bán sự thiên vị, từ đó nảy sinh tham nhũng.

Trong thực tế, tham nhũng chia làm 05 loại xác định từ thấp đến cao:

+ Bôi trơn, đây là mức thấp nhất của hành vi tham nhũng

+ Lại quả, suy cho cùng đây là sự cộng tác, phối hợp làm ăn của nhóm lợi ích

+ Hối lộ: chi tiền để thay đổi việc thực hiện những qui định.

+ Lạm dụng chức vụ quyền hành vi thu lợi không đúng nguyên tắc

+ Tham nhũng chính sách: đây là mức tham nhũng cao nhất, gây nguy hại cho đất nước, biểu hiện bằng hành vi nhận hối lộ và làm thay đổi những quy định của luật pháp….

Điểm độc đáo khi giảng bài, Thầy đã nắm chắc đối tượng dự học. Vì thế lúc liên hệ thực tế hoặc nêu một số tình huống cần giải quyết rất gần và gắn với công tác, những vấn đề mà người học còn lúng túng, chưa giải quyết được, từ đó tạo sự hứng thú cho người học. Trong nội dung bài giảng, Thầy đã khéo léo kết hợp lý luận gắn thực tiễn, đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục, tính chiến đấu. Đó là sự tinh tế khi báo cáo bài mà bất kỳ người giảng viên nào cũng phải rèn luyện, phải đạt đến. Đây là điều mà bản thân tôi rất tâm đắc.

Trong buổi học, tôi thấy thỉnh thoảng có những tràng cười của học viên, có sự tâm đắc, sự đồng tình xen lẫn thái độ lắng nghe nghiêm túc và thán phục của người học. Thời gian trôi nhanh và buổi học cũng kết thúc, nhưng người học vẫn chưa biểu hiện trạng thái mệt mõi hay mong hết giờ ra về. Đó là điều mà bất kỳ người giảng viên nào cũng mong mình làm được như vậy. Điều tâm đắc qua một buổi học, tôi cũng như các đồng chí học viên khác trong lớp đã được tiếp nhận một bài học với những cung bậc cảm xúc khác nhau, việc tiếp cận vấn đề phục vụ cho công tác cũng có những cấp độ khác nhau. Với tôi, tôi đã học ở Thầy nội dung kiến thức phong phú và phương pháp truyền đạt đầy biểu cảm, thuyết phục cao. Đó là sự thành công của một giảng viên đứng lớp giàu kinh nghiệm, đầy bản lĩnh cùng với sự uyên bác về tri thức đó là đỉnh cao của nghệ thuật truyền đạt. /.

 
 

Tin khác