Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 12:54

Những đội du kích anh hùng của Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Hồ Thị Thùy Dung
Khoa LLMLN, TT HCM

 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre là một tỉnh bị biệt lập về vị trí địa lý, giao thông liên lạc cực kỳ khó khăn nhưng Bến Tre lại là một trong những tỉnh đi đầu trong phong trào cách mạng. Mùa xuân năm 1975, Đảng bộ cùng với quân và dân Bến Tre đã phối hợp với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tiến tới tự giải phóng tỉnh nhà, hoàn thành sứ mệnh của tỉnh mình, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ tự giải phóng tỉnh nhà, Tỉnh ủy Bến Tre đã vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào tình hình cụ thể của tỉnh nhà. Tích cực phát huy truyền thống tự lực tự cường và tinh thần của ngọn lửa Đồng Khởi, trên cơ sở lấy dân làm gốc, chủ động xây dựng lực lượng toàn dân vững mạnh, thực hiện vũ trang toàn dân bằng các đội du kích của ấp, của xã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang huyện, tỉnh, tạo thế và lực vững chắc cho cách mạng trong tỉnh.

Ở Bến Tre, từ sau phong trào Đồng Khởi lực lượng du kích phát triển mạnh mẽ, mỗi xã, mỗi ấp đều có đội du kích, các đội du kích ban đầu chỉ có vài người sau đó phát triển mạnh lên đến vài chục người, vừa chiến đấu anh dũng vừa tích cực xây dựng lực lượng, tự chế tạo vũ khí. Những đội du kích của Bến Tre, đã góp phần rất lớn trong công cuộc tự giải phóng tỉnh nhà vào mùa xuân năm 1975. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, năm 1976, 1978 Bến Tre có rất nhiều đội du kích, dân quân du kích được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, như: Dân quân du kích xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm; Dân quân du kích xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày; Đội du kích xã An Định, huyện Mỏ Cày; Dân quân du kích xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, dân quân du kích xã Phước Long, huyện Giồng Trôm…[1]. Những đội du kích anh hùng của Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã góp phần cho nhân dân Bến Tre hoàn thành sứ mệnh tự giải phóng tỉnh nhà góp phần thắng lợi cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Bến Tre là một tỉnh có khí hậu nóng ẩm, gồm mùa mưa và mùa khô, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, kèm theo những rặng dừa bạt ngàn, những đồng lúa mênh mông, những rặng tre chằng chịt, những hàng dừa nước um tùm,…làm nên một Bến Tre thật đẹp nhưng cũng thật nguy hiểm đối với binh lính Mỹ. Địa hình, khí hậu và con người người Bến Tre thuận lợi cho nghệ thuật chiến tranh du kích của Đảng ta. Vậy:“Du kích là gì?”. Bác Hồ đã từng dạy: “Du kích là đánh úp hay đánh lén, đánh lúc kẻ thù không ngờ, không phòng. Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Đế quốc có khí giới tốt, có quân đội đàng hoàng; quân du kích không có khí giới tốt, chưa thành quân đội đàng hoàng, nhưng quân du kích được dân chúng ủng hộ, thuộc địa hình, địa thế, khéo lợi dụng đêm tối, mưa nắng, khéo sắp xếp đặt kế hoạch, nên quân du kích vẫn có thể đánh được đế quốc” [2]. Theo Bác, muốn đánh du kích cho thắng lợi cần bốn điều: Phải có con đường chính trị đúng; phải dựa trên cơ sở quần chúng; phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật; phải có một lối đánh rất tài giỏi. Bác còn nhấn mạnh: “Quân du kích là đội quân thiên biến vạn hóa, xuất quỷ nhập thần, khéo dùng lối này thì trăm trận trăm được” [3]. Nghệ thuật chiến tranh du kích của nhân dân Viêt Nam nói chung và của nhân dân Bến Tre nói riêng đã trở thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng của binh lính Mỹ. Từ bên kia địa cầu, họ rời xa gia đình, người thân, khoác lên mình những ba lô trĩu nặng súng, lựu đạn và các loại thực phẩm thượng hạng để đến Việt Nam tham gia một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Hộ tống theo chân họ là một lượng khổng lồ vũ khí tối tân như chiến hạm, máy bay, tàu chiến, tên lửa, chất độc hóa học…Nhưng ngay bước chân đầu tiên đặt đến Việt Nam, họ đã thua ta, thua về mặt tinh thần, một bên là những kẻ xâm lược phi nghĩa ắc phải khiếp sợ trước những con người anh hùng đứng trên lập trường chính nghĩa. Những người con Việt Nam mang trong mình một lòng yêu nước mạnh mẽ. Như Bác Hồ đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[4]. Người Việt Nam sẽ hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, họ sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ từng mảnh đất quê hương. Lớp lớp thế hệ thanh niên đến người già, phụ nữ và trẻ em đều cầm vũ khí lên để chống giặc, từ giáo mác, gươm đao đến những vật dụng rất đỗi bình thường như đòn gánh, con dao, cái liềm, cái cuốc, cây tre tầm vông, những rặng dừa nước, những trái dừa khô đến những tổ ong vò vẽ,…đều có thể trở thành vũ khí lợi hại có tầm sát thương khủng khiếp đối với lính Mỹ. Tờ báo New York Times của Mỹ số ra tháng 5 năm 1965 đã viết: “Du kích Việt Cộng, những người đánh nhau trong bóng tối đã trở thành những chuyên viên trong nghệ thuật dùng cạm bẫy, đã có tới 20% số lính Mỹ bị thương vong vì hầm chông. Tính riêng trong khu vực lính thủy đánh bộ, số vụ sập hầm chông tăng từ 3 vụ lên 8 vụ một ngày. Bất luận ở đâu, trong mỗi cuộc đi tuần tra, người lính nào cũng nghĩ rằng bước thêm một bước nữa có thể là bước đi cuối cùng của đời mình”. Và bất luận ở đâu, trên chiến trường Bến Tre bọn lính Mỹ cũng sẽ phải gặp những đội du kích anh hùng. Những đội du kích anh hùng của Bến Tre không những dùng vũ khí thô sơ như gậy, gộc, chông tầm vông, giáo mác, ong vò vẽ để đánh giặc Mỹ, mà bằng sự cần cù thông minh, các đội du kích anh hùng của Bến Tre còn tự chế ra được súng, lựu đạn, mìn,…để giết giặc. Bằng vũ khí tự tạo dân quân du kích Bến Tre luôn chủ động diệt địch trên đường hành quân, lúc trú quân và cả trong đồn bót địch. Trong quá trình chiến đấu lực lượng dân quân du kích Bến Tre không ngừng lớn mạnh, tôi luyện ý chí sắt thép, một quyết tâm kiên cường và lòng quả cảm không gì lay chuyển nổi, luôn sáng tạo tìm ra những lối đánh địch độc đáo làm cho quân địch hoang man, tan rã. Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu những đội du kích, dân quân du kích anh hùng của Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, nhằm ôn lại truyền thống yêu nước hào hùng của nhân dân Bến Tre, giúp chúng ta càng tự hào hơn về đất và người của quê hương Đồng Khởi.

1. Dân quân du kích xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm [5]

Xã Thạnh Phú Đông nằm ở vùng giữa tỉnh Bến Tre, gần sông Hàm Luông. Khi được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xã có hơn 8 ấp, hơn 3 nghìn dân. Xã được Giải phóng từ năm 1960 đến năm 1968. Năm 1969 xã bị địch chiếm lại. Địch chọn Thạnh Phú Đông làm trọng điểm bình định của tỉnh. Dân quân du kích xã đã tích cực đánh địch bằng nhiều hình thức phong phú, bằng nhiều vũ khí được trang bị và vũ khí tự tạo như chông, mìn, lựu đạn…Dân quân du kích loại khỏi vòng chiến đấu 1500 tên địch, bắn rơi 4 máy bay, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh khác, thu 49 súng, hàng chục tấn đạn, cùng nhân dân làm rã ngũ 100 tên địch, 86 tên phòng vệ dân sự, hỗ trợ cho 4 đồn địch nổi dậy diệt ác ôn trở về với nhân dân.

Quân dân du kích xã có tinh thần tự lực tự cường cao, tích cực sưu tầm vũ khí, làm được hơn 3 vạn quả mìn, lựu đạn, thủ pháo, vận động được 1.200 thanh niên tòng quân. Dân quân du kích xã Thạnh Phú Đông đã được tặng thưởng 4 huân chương chiến công Giải phóng (hai hạng Nhì và hai hạng Ba).

Ngày 20/10/1976, dân quân du kích xã Thạnh Phú Đông đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

2. Dân quân du kích xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày (hiện nay là huyện Mỏ Cày Nam)[6]

Xã Minh Đức nằm sát quận lỵ Hương Mỹ, phía nam tỉnh Bến Tre. Dân số 4.617 người (lúc được tuyên dương anh hùng, năm 1976). Du kích xã lúc đó có hơn 30 người, thường xuyên có một trung đội du kích tập trung. Từ năm 1960 đến năm 1975, địch ra sức đánh phá ác liệt cách mạng, chúng đóng nhiều đồn bót khắp nơi. Trong các năm từ năm 1969 đến năm 1971, trong xã thường có 2.000 tên địch đóng ở 5 phân chi khu, chúng tổ chức nhiều cuộc càn quét, đánh phá cơ sở, tàn sát nhân dân…Dân quân du kích xã kiên trì bám đất, bám dân, đánh địch bằng nhiều hình thức phong phú: Phục kích, tập kích, đánh đồn, đánh bằng chông, gài mìn, ong vò vẽ,…loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.500 tên địch (có 670 sĩ quan ác ôn), diệt, bức rút, bức hàng trên 3 đồn bót (có 1 phân chi khu) phá hủy 1 xe quân sự và nhiều súng đạn, thu 30 súng các loại, 16 máy thông tin, 1 tàu chiến đấu, gần 2.000 quả mìn và lựu đạn,…làm tốt công tác binh địch vận, cùng nhân dân làm rã ngũ 693 tên địch mang súng về với cách mạng.

Hỗ trợ cho hơn 700 cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân, chống địch cày xới ruộng vườn, dồn dân, chống bắt lính.

Dân quân du kích xã Minh Đức đã được tặng thưởng 2 huân chương chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì).

Ngày 20/10/1976, dân quân du kích xã Minh Đức đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

3. Đội du kích xã An Định, huyện Mỏ Cày (hiện nay là huyện Mỏ Cày Nam) [7]

Đội du kích xã An Định được thành lập từ tháng 6 năm 1961, là một trong những đội du kích được thành lập sớm của tỉnh Bến Tre. Lúc đầu có 4 người, trang bị vũ khí thô sơ, sau một năm xây dựng và chiến đấu, đội đã diệt được 1 bót địch do 1 trung đội địch đóng. Đơn vị càng đánh càng trưởng thành, lực lượng mỗi năm phát triển nhiều hơn, đến đầu năm 1975 đội đã có 50 người.

Năm 1963, đội du kích đã cùng nhân dân Giải phóng xã. Từ năm 1964 đến xuân 1975, địch ra sức bình định đánh phá ác liêt làng xã, đội du kích đã kiên cường bám trụ chiến đấu dũng cảm mưu trí, tích cực đánh địch, vận dụng tốt 3 mũi giáp công, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch (có 50 tên Mỹ), bắt 30 tên, diệt 15 bót, phá hủy 3 xe quân sự, thu hơn 400 súng. Xây dựng được cơ sở nội tuyến, nhờ đó có nhiều lần đánh chiếm đồn bót được thuận lợi.

Đội du kích xã An Định đã được tặng thưởng 3 Huân chương chiến công Giải phóng hạng Ba.

 Ngày 20/10/1976, dân quân du kích xã An Định đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

4. Dân quân du kích xã An Bình Tây, huyện Ba Tri [8]

Xã An Bình Tây có dân số trên 4.000 người (lúc được tuyên dương). Địch thường xuyên đóng trong xã 5 đồn, càn quét đánh phá để yểm trợ cho việc bình định.

Từ năm 1960 đến tháng 4 năm 1975, du kích kiên cường bám trụ xã, ấp, tích cực tấn công, đánh địch bằng nhiều hình thức, cùng với nhân dân xây dựng xã, ấp chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ chiến đấu mưu trí, dũng cảm, đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.000 tên địch (có trên 300 tên bị diệt bằng vũ khí thô sơ), bức rút 6 đồn, phá hủy 7 xe quân sự, thu trên 100 súng, hỗ trợ cho trên 300 cuộc đấu tranh chính trị. Kết hợp binh vận diệt 1 đồn, làm rã ngũ trên 100 tên địch.

Năm 1972, có lúc xã chỉ còn 2 du kích vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu, xây dựng cơ sở phát triển lực lượng, đào trên 4.000m hào, trên 500 hầm chông, sản xuất trên 8.000 quả mìn, lựu đạn, bổ sung 300 du kích cho lực lượng vũ trang huyện.

Dân quân du kích xã An Bình Tây đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba).

Ngày 6 tháng 11 năm 1978, dân quân du kích xã An Bình Tây được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

5. Dân quân du kích xã Phước Long, huyện Giồng Trôm [9]

Xã Phước Long là nơi đứng chân của các cơ quan tỉnh trong hai cuộc kháng chiến, nên địch thường xuyên càn quét, đánh phá rất ác liệt. Chúng đóng trong xã, chi khu 25 đồn bót, có ấp tới 9 đồn bót.

Từ năm 1960 đến tháng 4 năm 1975, du kích xã kiên cường bám trụ địa bàn, liên tục chiến đấu, đánh địch bằng nhiều hình thức, dũng cảm, mưu trí, đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 2.000 tên địch (có 16 tên lính Mỹ), diệt và bức rút 15 đồn, thu 27 súng. Hỗ trợ hàng nghìn cuộc đấu tranh chính trị, kết hợp binh vận làm rã ngũ trên 600 tên địch.

Kết hợp tốt chiến đấu và xây dựng lực lượng, rào 4 nghìn mét rào, đào trên 5 nghìn mét hào, sản xuất trên 7.000 quả mìn, lựu đạn để đánh địch, vận động trên 140 thanh niên vào bộ đội.

Dân quân du kích đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba).

Ngày 6 tháng 11 năm 1978, dân quân du kích xã Phước Long được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

6. Dân quân du kích xã An Phước, huyện Châu Thành [10]

Xã An Phước nằm ven đường giao thông Châu Thành đi Bình Đại, dân số trên 3.700 người. Địch đóng trong xã 10 đồn, thường xuyên càn quét, đánh phá các cơ sở cách mạng của ta rất ác liệt. Có cuộc càn quy mô lớn tới 5 tiểu đoàn, có chi đoàn cơ giới và hàng chục tàu chiến yểm trợ đánh phá dài ngày trong xã.

Dân quân du kích xã đã kiên cường bám trụ, tích cực tấn công đánh địch bằng nhiều hình thức, chiến đấu dũng cảm mưu trí, đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.500 tên địch (có 135 lính Mỹ), bắt 60 tên, tích cực làm công tác binh vận, làm rã ngũ trên 500 tên địch, diệt, bức hàng 15 đồn bót, bắn rơi 2 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 6 tàu chiến, thu hơn 120 súng. Hỗ trợ đắc lực cho hàng nghìn cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng.

Dân quân du kích xã đã kết hợp tốt chiến đấu và xây dựng, trong những năm ác liệt nhất, vẫn có tiểu đội du kích, thu lượm được 15 quả bom không nổ và trên 1.000 quả đạn pháo, sản xuất được trên 1 vạn quả mìn, lựu đạn để đánh địch, vận động trên 200 thanh niên vào bộ đội.

Dân quân du kích xã An Phước đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba) và nhiều bằng khen, giấy khen.

Ngày 6 tháng 11 năm 1978, dân quân du kích xã An Phước được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

7. Dân quân du kích xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành [11]

Xã Phước Thạnh là vùng căn cứ của huyện Châu Thành và của tỉnh trong hai cuộc kháng chiến. Địch đóng trong xã 5 đồn, thường xuyên tăng cường lực lượng chủ lực càn quét đánh phá xã ác liệt.

Dân quân du kích xã được thành lập từ cuối năm 1959, từ đó đến tháng 4 năm 1975, du kích xã đã tăng cường bám đất, bám dân, tích cực đánh địch bằng nhiều hình thức. Cán bộ, chiến sĩ chiến đấu dũng cảm, mưu trí, đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 4.000 tên địch (có 170 lính Mỹ), tích cực làm công tác binh vận, đã làm rã ngũ trên 700 tên địch, diệt, bức rút hàng 9 đồn, bắn rơi 3 máy bay, thu gần 100 súng. Hỗ trợ cho hàng ngàn cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng.

Dân quân du kích xã Phước Thạnh kết hợp tốt chiến đấu và xây dựng, trong những năm địch đánh phá ác liệt vẫn có tiểu đội du kích. Tự sản xuất được trên 2 vạn quả mìn, lựu đạn để đánh địch, vận động 500 thanh niên vào bộ đội và tham gia các ngành khác.

Dân quân du kích đã được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 2 hạng Ba) và nhiều bằng khen, giấy khen.

Ngày 6 tháng 11 năm 1978, dân quân du kích xã Phước Thạnh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

8. Dân quân du kích xã Hữu Định, huyện Châu Thành [12]

Xã Hữu Định nằm ở phía bắc thị xã Bến Tre (nay là thành phố Bến Tre), có dân số 4.470 người (lúc được tuyên dương), dân quân du kích có hơn 60 người, xã có đội du kích, ấp có tiểu đội dân quân du kích.

Từ năm 1960 đến tháng 4 năm 1975, địch ra sức đánh phá lực lượng cách mạng của xã, khi thì chúng càn quét, khi đóng đồn, nhiều lần chúng đóng cả 4 ấp (mỗi ấp 1 đồn). Dân quân du kích xã đã vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, tấn công địch bằng nhiều hình thức phong phú: Khi bao vây đồn bót, bức hàng, bức rút, khi tập kích, phục kích, đánh mìn, gây nhiều thiệt hại về sinh lực địch, hạn chế việc hành quân đánh phá của chúng. Hai lần ta đã tiến công diệt gọn các đồn bót địch, diệt trừ hết bọn ác ôn, tề điệp, tự giải phóng xã.

Tính chung dân quân du kích xã đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.770 tên địch (có hơn 100 lính Mỹ), bắt 26 tên (có 24 sĩ quan), thu 107 súng các loại. Là xã mở đầu cuộc Đồng khởi năm 1960 của huyện và là một trong những xã xuất sắc của tỉnh trong phong trào du kích chiến tranh.

Xã đã xây dựng lực lượng vũ trang mạnh toàn diện, đã bổ sung 220 du kích cho bộ đội và các ngành trong huyện và tỉnh. Tích cực nhặt bom đạn lép của địch về sản xuất được hơn 9.000 lựu đạn, thủ pháo, mìn, tự lực hoàn toàn vũ khí trong suốt quá trình cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước.

Dân quân du kích xã Hữu Định đã được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 2 hạng Ba).

Ngày 6 tháng 11 năm 1978, dân quân du kích xã Hữu Định được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

9. Dân quân du kích xã Vang Qưới, huyện Bình Đại [13]

Địch đóng trong xã Vang Qưới (hiện nay xã Vang Quới được tách ra thành 02 xã Vang Quới Đông và Vang Quới Tây) 10 đồn bót, thường xuyên càn quét, đánh phá, bình định.

Từ năm 1960 đến tháng 4 năm 1975, dân quân du kích của xã Vang Qưới luôn kiên cường bám đất, bám dân, tích cực đánh địch bằng nhiều hình thức, loại khỏi vòng chiến đấu trên 3.600 tên địch (diệt gọn 3 tiểu đội địch), diệt, bức rút 15 đồn, thu gần 10 súng, hỗ trợ đắc lực cho hàng nghìn cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng.

Kết hợp tốt chiến đấu và xây dựng, trong những năm ác liệt nhất xã vẫn có trung đội du kích. Đội tự sản xuất được trên 2 vạn quả mìn, lựu đạn để đánh địch. Vận động 750 thanh niên vào bộ đội và tham gia các ngành khác.

Dân quân du kích xã Vang Qưới đã được tặng thưởng 5 Huân chương chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 2 hạng Nhì, 2 hạng Ba).

Ngày 6 tháng 11 năm 1978, dân quân du kích xã Vang Qưới được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

10. Dân quân du kích xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại [14]

Từ năm 1960 đến tháng 4 năm 1975, dân quân du kích xã Thạnh Phước kiên cường bám đất, bám dân, tích cực đánh địch bằng nhiều hình thức, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 3800 tên địch, làm rã ngũ trên 500 tên, diệt bức rút 26 đồn, bót, đánh chìm, đánh cháy 6 tàu xuồng chiến đấu thu trên 700 súng. Hỗ trợ đắc lực cho hàng nghìn cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng. Kết hợp tốt chiến đấu và xây dựng, trong những năm địch đánh phá ác liệt nhất xã vẫn có tiểu đội du kích. Tự sản xuất được trên 1 vạn quả mìn, lựu đạn để đánh địch, vận động được trên 100 thanh niên vào bộ đội. Dân quân du kích xã Thạnh Phước đã được tặng thưởng 4 Huân chương chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 2 hạng Nhì, 1 hạng Ba). Ngày 6 tháng 11 năm 1978, dân quân du kích xã Thạnh Phước được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

11. Dân quân du kích xã Hưng Khánh Trung, huyện Mỏ Cày (nay là xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) [15]

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, địch đóng trong xã Hưng Khánh Trung 17 đồn bót, thường xuyên càn quét đánh phá bình định. Từ năm 1960 đến tháng 4 năm 1975, dân quân du kích xã kiên cường bám đất, bám dân, tích cực đánh địch bằng nhiều hình thức, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 4.000 tên địch, bắt 345 tên, làm rã ngũ trên 600 tên địch, diệt và bức rút 36 đồn bót, phá hủy 4 xe quân sự, thu gần 100 súng. Hỗ trợ cho hàng nghìn cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng. Kết hợp tốt chiến đấu và xây dựng, trong những năm ác liệt nhất xã vẫn có trung đội du kích, tự sản xuất trên 1 vạn quả mìn, lựu đạn để đánh địch. Dân quân du kích xã Hưng Khánh Trung đã được tặng thưởng 4 Huân chương chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 3 hạng Ba). Ngày 6 tháng 11 năm 1978, dân quân du kích xã Hưng Khánh Trung được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

12. Dân quân du kích xã Thành Thới, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam) [16]

Xã Thành Thới nằm trên bờ bắc sông Cổ Chiên, có số dân là 12.670 người (lúc được tuyên dương) được chia làm 10 ấp. Địch đóng trong xã 7 đồn, nhiều lúc chúng đưa hàng trung đoàn, sư đoàn đến càn quét, đánh phá, bình định. Dân quân du kích xã thành lập năm 1960, liên tục bám đất, bám dân dù khó khăn đến thế nào cũng kiên quyết tiến công địch. Lúc địch đánh ác liệt, du kích chỉ còn 3 người vẫn tiếp tục xây dựng lực lượng, tích cực tìm bom đạn địch bắn không nổ, tự sản xuất 5.000 quả mìn, thủ pháo để đánh địch. Tính chung dân quân du kích xã Thành Thới đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.600 tên, làm rã ngũ hơn 400 tên, bắn chìm và cháy 4 tàu xuồng, bắn rơi 3 máy bay (có 1 máy bay phản lực), phá hủy 7 cầu, kết hợp với bộ đội đánh hàng trăm trận, diệt và bắt được hơn 500 tên, phối hợp với nhân dân trong xã bao vây bức hàng, bức rút 20 đồn. Trong xuân 1975, dân quân du kích xã Thành Thới đã bao vây 19 đồn và 1 công sở tề trong xã, bức rút 11 đồn và buộc địch phải đầu hàng. Chú trọng xây dựng lực lượng ngày càng trưởng thành, qua nhiều thời kỳ địch đánh phá ác liệt, xã vẫn đảm bảo số dân quân du kích trung bình là 30 người, bổ sung cho bộ đội 1.000 người. Dân quân du kích xã Thành Thới đã được tặng thưởng 3 Huân chương chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba). Ngày 6 tháng 11 năm 1978, dân quân du kích xã Thành Thới được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Trên đây là những đội du kích, dân quân du kích của Bến Tre được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang vào năm 1976 và năm 1978. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sau phong trào Đồng Khởi các đội du kích ở ấp và xã của Bến Tre phát triển ngày càng lớn mạnh, có mặt khắp nơi và đẩy mạnh hoạt động trên diện rộng, đây chính là nồng cốt của phong trào nhân dân du kích chiến tranh, các đội du kích đã làm hoang man tinh thần binh lính địch, làm phân tán hàng ngũ, suy yếu lực lượng địch giúp sức cho lực lượng vũ trang tập trung đánh địch vào những nơi hiểm yếu giành thắng lợi quyết định. Không những làm tốt vai trò trong tỉnh, dân quân du kích Bến Tre còn là nguồn bổ sung hùng hậu cho lực lượng vũ trang huyện tỉnh, quân khu, miền và các tỉnh bạn. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre có hơn 70 nghìn thanh niên tự vệ du kích lên đường nhập ngũ và họ có mặt hầu hết trên các chiến trường miền Nam và cả nước.

Ngày nay lực lượng dân quân du kích của tỉnh Bến Tre ngày càng được chăm lo phát triển mạnh về lực lượng vững về chính trị, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nhà. Lực lượng dân quân du kích Bến Tre cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Bến Tre tích cực thực hiện phong trào Đồng Khởi mới, bằng những chương trình hành động cụ thể. Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, tích cực gặt hái những thắng lợi trong sự ngiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ Tỉnh Bến Tre lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

____________________________________

Chú thích:
[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre 1930-2000, Nxb Chính trị quốc gia, 2003, tr.407.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995, tr.469.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.1995, tr.470.
[4] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 6, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.2000, tr.171.
[5] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.75.
[6] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.76.
[7] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.77.
[8] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.78.
[9] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.79.
[10] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.80.
[11] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.81.
[12] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.82.
[13] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.83.
[14] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.84.
[15] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.85.
[16] Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2010, tr.86.

Tin khác