Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 16 Tháng 4, 2024 - 18:19

Luật Hồng Đức với vấn đề bình đẳng giới

                                  Thạc sĩ Dương Văn Chăm
                                              Trưởng phòng Đào tạo

Luật Bình đẳng giới (Điều 5) xác định: Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Vấn đề bình đẳng giới cũng đã được các nhà nước phong kiến Việt Nam quan tâm, thể hiện qua tư duy pháp lý hướng đến các giá trị nhân văn và quyền con người mà đỉnh cao là những quy định tại Bộ luật Hồng Đức. Bộ luật này gồm 13 chương và 722 điều ban hành vào thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497). Trong bộ luật này có hẳn một nội dung lớn bênh vực và bảo vệ quyền lợi cho cho người phụ nữ, thể hiện quan điểm bình đẳng giới mà đến nay vẫn mang tính thời sự và cần kế thừa, học tập.

Thứ nhất: Quyền được nhà nước bảo vệ hôn nhân

Để thực hiện quyền này, Bộ luật Hồng Đức quy định rất nhiều các điều kiện mà hai bên nam nữ phải tuân theo khi kết hôn nhằm bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, trong đó Điều 338 quy định: "Những nhà quyền thế mà ức hiếp để lấy con gái kẻ lương dân, thì xử tội phạt, biếm hay đồ”(Biếm có thể được hiểu như một hình thức làm hạ thấp tư cách của người bị phạt; Đồ: Giam cầm, bắt làm việc khổ sai). Điều 315 quy định việc trừng trị tất cả những ai đã gả con gái rồi (tức đã nhận đồ sính lễ) mà lại thôi không gả nữa thì bị phạt “80 trượng” và đem gả cho người khác mà đã thành hôn rồi thì bị xử tội “đồ”, người sau biết thế mà cứ lấy thì cũng bị xử tội “đồ”, người con gái đó phải gả cho người hỏi trước, nếu người đó không lấy nữa thì nhà người con gái phải bồi thường đồ sính lễ gấp đôi cho người đó. Còn Điều 321 quy định, vợ cả vợ lẽ nếu tự tiện bỏ nhà chồng cũng như đi lấy chồng khác đều bị xử tội “đồ” và họ cùng gia sản phải trả về cho nhà chồng cũ. Điều 333 ghi rõ: Đã gả con gái rồi mà về sau vì thấy người chồng nghèo khổ, lại bắt con gái về thì bị xử phạt “60 trượng”, biếm hai tư, người con gái đó phải bắt trở về nhà chồng.
Tất cả những người đàn ông nào biết mà vẫn lấy họ làm vợ đều bị xử tội “đồ”. Ngoài ra, các Điều 308, 309,…còn yêu cầu người chồng phải luôn thương yêu người vợ, phải chăm lo hạnh phúc cho gia đình.

Thứ hai: Quyền ly hôn của phụ nữ

Như Điều 308 Luật Hồng Đức chỉ rõ: Phàm chồng bỏ lững vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình quan sở tại, quan xã làm chứng) thì chồng đó mất vợ. Nếu đã có con thì gia hạn 1 năm. Nếu đã thôi vợ mà cản trở người khác cưới vợ cũ thì xử “biếm”. Điều 309 quy định: Người nào mà quá say đắm với nàng hầu mà thờ ơ với vợ thì bị xử tội “biếm”. Bên cạnh đó, tất cả những hành vi gian dâm đều bị nghiêm trị với khung hình phạt rất nặng.

Chồng không được bỏ vợ trong ba trường hợp:

- Vợ đã để tang nhà chồng 3 năm;
- Khi lấy nhau nghèo mà sau giàu có;
- Khi lấy nhau vợ có bà con mà khi bỏ lại không có bà con để trở về.

Đồng thời, khi hai bên vợ chồng đang có tang cha mẹ thì vấn đề ly hôn cũng không được đặt ra. Khi ly hôn, con cái thường thuộc về chồng nhưng nếu muốn giữ con, người vợ có quyền đòi chia một nửa số con. Điều 167 - Hồng Đức thiện chính thư - quy định rõ hình thức thuận tình ly hôn: Giấy ly hôn được làm dưới hình thức hợp đồng, người vợ và người chồng mỗi bên giữ một bản làm bằng.

Qua đó, cho thấy bên cạnh sự ưng thuận của cha mẹ hay các bậc tôn thuộc rất quan trọng thì sự ưng thuận của hai bên trai - gái cũng là một thành tố được nhà lập pháp chú ý đến. Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng sau khi ly hôn hoàn toàn chấm dứt, hai bên đều có quyền kết hôn với người khác mà không bị pháp luật ngăn cấm.

Thứ ba: Quyền có tài sản

Luật Hồng Đức quy định cụ thể ở các Điều 374, 375 và 376 tài sản của vợ chồng được hình thành từ 3 nguồn: Tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng; tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ và tài sản do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân (tài sản chung). Khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung. Khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người. Còn khi chồng chết trước (hay vợ chết trước) tài sản có do cha mẹ dành cho được chia làm hai phần bằng nhau, một phần dành cho gia đình bên chồng/vợ để lo việc tế lễ. Một phần dành cho vợ/chồng để phụng dưỡng một đời. Đặc biệt trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, pháp luật nhà Lê không phân biệt con trai - con gái. Nếu cha mẹ mất cả thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hỏa, giao cho người con trưởng giữ, còn lại chia đều cho các con (Điều 388); "người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng" (điều 391).

Thứ tư: Áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phụ nữ phạm tội

Một trong những nguyên tắc áp dụng hình phạt của Bộ luật Hồng Đức là nguyên tắc chiếu cố đối với phụ nữ. Trong lượng hình hoặc thi hành hình phạt, nhà làm luật đã cho phép nữ phạm nhân áp dụng hình phạt nhẹ hơn so với nam giới hoặc được hưởng những đặc ân. Ví dụ: Theo Điều 1, khi phạm tội đồ hoặc lưu, nam phạm nhân bao giờ cũng bị đánh thêm trượng, còn nữ phạm nhân chỉ phải tội chịu roi hoặc theo Điều 680, nữ phạm nhân bị tội tử, tội xuy mà đang có thai thì phải đủ 100 ngày sau khi sinh con mới bị đem ra hành hình hoặc đánh roi.

 Có một số tội danh, nếu người phạm tội là phụ nữ thì được giảm nhẹ, như việc xử lý tội ăn trộm, ăn cướp: "Ăn trộm mà có cầm khí giới thì phải khép vào tội ăn cướp; nếu giết người thì bị khép vào tội giết người. Đàn bà được giảm tội" (Điều 429) hoặc trường hợp đầy tớ ăn trộm đồ của chủ, nếu là "tớ gái thì được giảm tội" (Điều 441)

Bộ luật Hồng Đức xử rất nặng đối với những trường hợp xâm phạm thân thể người phụ nữ: Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc so với đánh người thường bị thương. Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết (Điều 403).

Việt Nam thời Hồng Đức chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo, mặc dù tuân thủ khá nghiêm ngặt những quan điểm của Nho giáo là địa vị, vai trò của người phụ nữ, người vợ bị coi thường và bị hạ thấp so với người đàn ông, người chồng nhưng trong Bộ luật Hồng Đức, có nhiều điều thể hiện sự nới lỏng những ràng buộc đối với người phụ nữ, người vợ trong gia đình. Nhân phẩm con người và các quyền cơ bản của người phụ nữ được thừa nhận, bảo vệ và thể hiện cụ thể trong Bộ luật Hồng Đức. Đây là sự kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp, kế thừa những thuần phong, mỹ tục của dân tộc và con người Việt Nam. Những điểm tiến bộ của bộ luật Hồng Đức là những nét son tô thắm thêm những giá trị nhân văn của truyền thống lập pháp Việt Nam. Những giá trị này có một ý nghĩa nhất định trong hoàn thiện các quy định về luật hôn nhân gia đình, luật Bình đẳng giới của nước ta hiện nay./.

 

Tin khác