Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ năm, 28 Tháng 3, 2024 - 17:46

Góc nhìn của người giảng viên về đổi mới phương pháp giảng dạy tại cuộc hội thảo khoa học tại Trường Chính trị tỉnh Long An

Thạc sĩ  Nguyễn Thị Yến
                                                                  Trưởng khoa Dân vận TCT Bến Tre

 

Vào ngày 15 tháng 8 năm 2014, tại Trường Chính trị tỉnh Long An dưới sự chủ trì của thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường đã tổ chức buổi hội thảo khoa học với chủ đề: “Đổi mới phương pháp giảng dạy Trung cấp LLCT-HC tỉnh Long An”. Với trên 36 bài tham luận và 11 ý kiến thảo luận thật sôi nổi, có chiều sâu. Các đại biểu tham dự đã thỏa mãn với những nội dung thu nhận được về những suy tư, trăn trở và đặc biệt là những kinh nghiệm và các giải pháp rất hay của nhiều đại biểu đã từng đứng trên bục giảng. Với chúng tôi là những người tham dự không khỏi thán phục về tư duy đổi mới, sự vận dụng phương pháp dạy học hiện đại phù hợp chương trình đào tạo và đối tượng dự học trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Là người được tham dự, tôi xin giới thiệu những ý kiến phát biểu với góc độ của một nhà giáo tại môi trường chính trị để người đọc, nhất là những giảng viên trẻ tham khảo góp phần phục vụ cho công tác của mình.

Toàn cảnh buổi hội thảo khoa học

Với tiến sĩ Đinh Phương Duy, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh, đã giới thiệu việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào quá trình dạy học ở trường chính trị - một nhu cầu tất yếu. Đồng chí đã làm rõ các nội dung về yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay cần cải tiến phương pháp dạy học theo hướng hiện đại. Đó là chuyển đổi  phương pháp dạy học truyền thống với đặc trưng thuyết trình là chủ yếu sang phương pháp dạy học tích cực là một trong những điều kiện quyết định nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ hiện nay.

Để đáp ứng nhu cầu trên, cần tập trung vào phương pháp dạy học tích cực. Trong quá trình thực hiện, người giảng viên phải thấy rõ những rào cản tâm lý cần được phá vỡ, nhất là thái độ bàng quan, thiếu tích cực và chưa phù hợp về sự chuyển đổi phương pháp giảng dạy; người giảng viên cần chú trọng các yếu tố: chủ thể dạy học là giảng viên phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn; phải thường xuyên cập nhật, trang bị hệ thống tri thức về lý luận dạy học, phải thực hành rèn luyện những kỹ năng, thao tác thuần thục, nhuần nhuyễn và thể hiện tốt những thao tác này vào mỗi khi lên lớp.

Về phía đối tượng dạy học là học viên, đây là chủ thể của hoạt động học tập cần phát huy tối đa tính tích cực chủ động và có tâm thế sẵn sàng tham gia các hoạt động học tập. Đối với chủ thể quản lý hoặc các điều kiện khác như đối tượng dự học, số lượng dự học, trình độ, địa điểm học tập…được đầu tư tốt sẽ đảm bảo cho công tác dạy học tích cực đạt hiệu quả cao.

Trong hai bài tham luận với chủ đề “Dạy học giải quyết vấn đề - hướng đi mới góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở trường chính trị của thạc sĩ Nguyễn Phước Dũng, PHT, TCT tỉnh Đồng Tháp và bài tham luận của Thạc sĩ Lê Thị Cát Hoa, PHT, TCT tỉnh Đồng Nai về “Đổi mới phương pháp giảng dạy TCLLCT-HC trong giai đoạn hiện nay, nhìn từ thực tiễn Đồng Nai” đã nhấn mạnh những yêu cầu cần thiết khi thực hiện phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả. Các  đồng chí cho rằng, với lực lượng cán bộ giảng dạy hiện nay phải có sự chuyển biến từ lý luận đến thực tiễn. Đây là điều không dễ dàng vì người giảng viên có phương pháp giảng dạy tốt đòi hỏi chính họ phải luôn trau dồi kiến thức của mình, có năng lực thực tiễn, kỹ năng sư phạm nhuần nhuyễn. Khi giảng bài biết khơi gợi để người  học biết chuyển từ học sang làm; phương pháp giảng dạy phải cải tiến, có hướng đi mới bằng dạy học giải quyết vấn đề; sử dụng phương pháp dạy học tích cực phải nắm và khắc phục những cản trở từ nguyên nhân khách quan và chủ quan; đối với lãnh đạo trường phải kiên quyết trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên đồng thời tạo điều kiện về cơ sở vật chất; khuyến khích động viên đội ngũ giảng viên mới, tạo thành phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

Về đối tượng dự học, đồng chí Lê Thị Cát Hoa cho rằng khi ứng dụng phương pháp giảng dạy mới đòi hỏi số lượng học viên trong lớp vừa phải, 40 là đủ. Nhưng trên thực tế ở hầu hết các Trường chính trị số lượng học viên thường trên 70 người do nhiều lý do, trong đó có vấn đề kinh phí đào tạo, số lượng đào tạo trong năm…vì vậy số lượng học viên càng đông, hiện tượng tiếp cận kiến thức của học viên chỉ đạt 50% là tiếp thu bài tốt, 50% còn lại sẽ khó tiếp thu. Một số học viên ở hệ vừa làm vừa học thường không có thời gian nghiên cứu nên khi thảo luận, xêmina các học viên này ít khi soạn bài. Mặt khác, tâm lý của học viên đều ngán ngại khi học chính trị, điều mong mỏi của họ là sau khi thi, kiểm tra đạt điểm 5 là được. ..đây là một số bất cập từ học viên.

Về đội ngũ giảng viên của các trường, thông thường có ba đối tượng (ba cấp độ) khi đứng lớp, đó là có 1/3 giảng viên lên lớp dưới 5 năm; 1/3 có kinh nghiệm và 1/3 nhiều kinh nghiệm. Đây là điều cần quan tâm khi phân công bài giảng và đối tượng dự học cho phù hợp.

Để khắc phục những trở ngại trên, khi phân công bài giảng không nên tập trung chỉ 1 người, nên phân công 2-3 người hoặc một nhóm, có như vậy mọi người cùng nắm kiến thức chuyên môn của khoa sâu hơn, có trách nhiệm hơn. Đây cũng là biện pháp khắc phục hiện tượng thay đổi, điều chỉnh lịch học, vì lúc nào cũng có giảng viên ứng phó khi giảng viên được phân công giảng dạy không thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.

Đối với học viên phải đọc bài trước ở nhà và giáo viên giảng bài buổi sau nên đưa trước một số câu hỏi liên quan đến nội dung bài giảng để học viên có tâm thế chuẩn bị trước. Đây là phương pháp không mới trong bất cứ môi trường học tập nào, tuy nhiên việc để học viên nắm tinh thần và trọng tâm bài giảng trước một bước là điều cần thiết, nếu thực hiện tốt điều này sẽ giúp cho thầy và trò có sự chủ động hơn khi thực hiện một buổi học chính trị. Có đại biểu cho rằng, thầy cô nên có chế độ cộng điểm học tập cho học viên, vừa khuyến khích, vừa động viên kịp thời để học viên dự học có sự hưng phấn, tập trung nghe giảng, quan tâm đến sự trao đổi bài trên lớp, đây là cách tạo điểm nhấn giúp người học dễ nhớ bài, nhớ lâu, nhớ sâu. Lưu ý, cách cộng điểm phải xứng đáng với người học, phải có giới hạn điểm từ 0,25 đến 0,5. Với cách làm này phải được sự thống nhất trong Ban Giám hiệu và tập thể giảng viên.

Với thạc sĩ Hoàng Đình Cán, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị Long An đã đề cập đến ba đối tượng khi thực hiện các phương pháp dạy học nên kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại.

Thứ nhất, khi thực hiện giờ giảng, phần lớn giảng viên thực hiện phương pháp giảng dạy mới không tránh khỏi những lúng túng, va vấp do thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, chương trình rút ngắn, thời gian bị giảm xuống, phương tiện giảng dạy chưa đáp ứng,... Vì vậy khi soạn bài, người giảng viên nên chú ý những vấn đề cần tập trung, nội dung nào cần nói sâu, nội dung nào cần người học tham gia, …tất cả đều phải có sự chuẩn bị thật chu đáo. Chú ý khi đổi mới phương pháp giảng dạy cần quan tâm 05 điều sau:

+ Hiện nay, cách mạng khoa học công nghệ bùng nổ thông tin rất nhanh chóng, nhiều chiều, đa dạng và vô cùng phong phú. Với người học dễ dàng tìm mọi thông tin theo nhu cầu và họ có điều kiện, có thời gian để nghiên cứu thông tin. Do vậy người thầy giáo phải có sự đầu tư cho bài giảng của mình trên mọi phương diện, tự học, không ngừng nghiên cứu, khám phá là nhiệm vụ bắt buộc mỗi giáo viên phải có để đáp ứng nhu cầu học tập của học viên và tạo sự tự tin của giảng viên khi lên lớp.

+ Đối với một số giảng viên lớn tuổi, có thâm niên nghề nghiệp còn ngại đổi mới, nhất là thực hiện phương pháp dạy học tích cực, cùng tham gia…Vì vậy, để đảm bảo được sự thống nhất chuyển đổi phương pháp theo hướng hiệu quả cao, mỗi giáo viên dù cao tuổi hay tuổi còn trẻ, nên có sự chuyển đổi phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng phần học, từng bài, với kinh nghiệm sẵn có để tạo sự tự tin, chủ động cho người dạy. Riêng giảng viên trẻ nên dành thời gian đi dự giờ những giảng viên cùng khoa, khác khoa để đúc rút những kinh nghiệm cho mình.

+ Về chương trình giảng dạy hiện nay đã có sự giảm thiểu đáng kể về thời gian, lượng kiến thức, môn học, bài học…và tăng cường nghiên cứu thực tế. Vì vậy người giảng viên phải tìm ra những giải pháp cho mình để có cách chuyển tải kiến thức đến người học tốt nhất. Đây không phải là vấn đề giản đơn, hầu như giảng viên các trường chính trị đều có những ưu tư, trăn trở để làm sao người học học tốt, người dạy dạy giỏi mà phải thực hiện trong khung thời gian và lượng bài giảng cho phép.

+ Hiện nay, với yêu cầu đổi mới công tác cán bộ ngoài những tiêu chuẩn, quy định về kiến thức, năng lực, trình độ, đạo đức lối sống…người cán bộ cần phải có năng lực thực tiễn. Từ điều này đòi hỏi người dạy và người học biết vận dụng những kiến thức đã học đưa vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết những vấn đề từ thực tiễn đặt ra. Giảng viên không giảng suông và người học không học chai, học vẹt, học cho có. Đây là điều không đơn giản đối với giảng viên khi họ là chủ thể tác động đến giờ giảng, bản thân họ phải chủ động tìm kiếm, trao đổi, nghiên cứu và biết dành thời gian trong mỗi buổi học để cùng học viên giải quyết vấn đề thông qua thực hành, kiểm tra bằng những câu hỏi tình huống, câu hỏi lẻ, buộc người học phải hiểu và nắm bài ngay trên lớp. Chúng ta là giảng viên nên quan tâm đến người học với câu hỏi: họ cần gì ở chúng ta, chúng ta cần gì ở họ? chúng ta đi học về giảng dạy, họ đi học về làm việc. Cả hai phía có mục đích khác nhau song cùng là sự nghiệp cách mạng chung đòi hỏi cả hai phía nên cố gắng làm tốt việc của mình.

Thứ hai, đối với học viên phải nắm rõ yêu cầu học tập, phải thực hiện đúng qui chế, nội qui lớp học và nhà trường sẽ là những người giám sát học viên để họ có ý thức tự giác thực hiện đúng nội qui trường, lớp. Trong đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm và phòng Đào tạo rất quan trọng.

Thứ ba, với Ban Giám hiệu phải quyết tâm cao đổi mới phương pháp giảng dạy trên mọi phương diện từ khâu đầu đến khâu cuối để đảm bảo cho đội ngũ giảng viên có điều kiện thực hiện sự chuyển đổi phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất.

Đối với  thạc sĩ Đặng Thanh Tuyền, GV khoa Quản lý hành chính, Trường Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận “Sử dụng phương pháp giảng dạy hiệu quả” gồm 3 điều kiện, 6 nguyên tắc và những lưu ý của người giảng viên khi áp dụng phương pháp thuyết trình, hỏi đáp. Với cách trình bày ngắn gọn, nhiệt tình, đồng chí đã giúp người tham dự tiếp cận thông tin rõ ràng, dễ nhớ, dễ áp dụng với những nội dung cụ thể sau:

a. Ba điều kiện cần thiết để giảng dạy có hiệu quả:

+ Trước hết, người giảng viên phải có đủ kiến thức của môn học, không những hiểu biết sâu nội dung chuyên môn mà cần hiểu biết các vấn đề liên quan đến môn học, bài học;

+ Thứ hai, người giảng viên phải có phương pháp truyền đạt kiến thức đến học viên sao cho người học hiểu và vận dụng được kiến thức đó vào thực tiễn.

+ Thứ ba, giảng viên lựa chọn phương tiện dạy học cho phù hợp để học viên hiểu được điều mà giảng viên trình bày và thực hiện tốt hơn kỹ năng cần đạt.

b. Về 6 nguyên tắc để giảng dạy có hiệu quả:

Nguyên tắc một, khi giảng viên trình bày nên sử dụng ngôn từ dễ hiểu để người học cảm nhận được, tiếp thu được những điều mà người thầy muốn truyền đạt.

Nguyên tắc hai, người giảng viên nên liên hệ thực tế những gì gắn với thực tiễn cuộc sống, gắn với công tác của họ, có như vậy sẽ tạo hứng thú cho người học, sự hăng hái tham gia đóng góp xây dựng bài và người học cảm thấy những yêu cầu của họ khi dự học được đáp ứng.

Nguyên tắc ba, giảng viên nên áp dụng phương pháp trực quan, đây là phương pháp góp phần tăng thêm khả năng ghi nhớ bài giảng ngay trên lớp và khắc phục những phút giây nhàm chán cho người học.

Nguyên tắc bốn, giảng viên nên khuyến khích người học tham gia phát biểu hoặc thực hiện (làm) khi học tập phương pháp cùng tham gia. Với nguyên tắc này, người học có dịp để nói, trao đổi, giao tiếp  nhau. Theo nguyên tắc ba nếu nghe chỉ nhớ 20%, thấy 30%, nghe + thấy sẽ nhớ 50% thì nói sẽ nhớ 60-70% và làm sẽ nhớ 80-90%.

Nguyên tắc năm, phải tạo không khí tích cực trong lớp học, có như vậy sẽ giúp người học tiếp thu bài nhiều hơn, nhanh hơn, dễ hơn.

Nguyên tắc sáu, sau mỗi phần giảng, bài giảng, thầy giáo nên chốt lại nội dung (neo kiến thức) để tái lập và tạo điểm nhấn, giúp người học khắc ghi những nội dung trọng tâm.

c. Những lưu ý của người giảng viên khi áp dụng phương pháp thuyết trình và hỏi đáp.

- Với phương pháp thuyết trình, đây là phương pháp dạy học phổ biến nhằm chuyển tải kiến thức của môn học, bài học thông qua sự truyền đạt bằng lời nói của giảng viên đến học viên. Đây là phương pháp trao đổi một chiều. Để sử dụng tốt phương pháp này, giảng viên có năm lưu ý sau:

+ Về mặt tư duy người giảng viên phải có sự nhận thức đúng đắn về phương pháp này, đây là phương pháp mang “hình ảnh rót nước vào bình”. Người rót nước là thầy giáo, học viên là cái bình để hứng nước. Với phương pháp này người giảng viên cần biết nên “rót” nước gì, “rót” như thế nào, có nghĩa người thầy giáo phải biết lựa chọn những gì cần trình bày cho học viên chứ không phải có gì rót đó. Ngược lại học viên biết tiếp thu những gì mình quan tâm và cần đến.

+ Khi sử dụng phương pháp thuyết trình cần kết hợp các phương pháp khác cho phù hợp với nội dung bài giảng, phải tạo không khí linh hoạt, sôi nổi trong từng tiết giảng nhằm khắc phục sự mệt mỏi, nhàm chán của học viên.

+ Khi thuyết trỉnh phải thu hút sự chú ý của học viên bằng cách:

a. Không thuyết trình liên tục quá từ 20-30 phút

b. Không đứng yên một chỗ trên bục giảng, cũng không đi liên tục rời bục giảng quá lâu, phải biết ra vào bảng hợp lý.

c. Cần có sự trao đổi với học viên.

d. Khi thuyết trình cần chú ý âm điệu, giọng giảng, nội dung cần nhấn mạnh, cuối câu không nên nói quá nhỏ, ngắt câu không đủ nghĩa, không giảng đều đều,.. người học dễ buồn ngủ, không sử dụng giọng giảng quá chát hay the thé…

đ. Khi giảng bài, thầy giáo không nhìn lơ đãng sang nơi khác mà phải nhìn có sự tập trung vào lớp học, học viên dự học. Lưu ý không nhìn tập trung, nhìn xoáy vào một người, nhất là học viên khác giới dễ gây hiểu nhầm…

e. Có thể pha trò bằng những câu chuyện, tình huống vui, hài nhưng không nên gượng ép, quá lố, thô tục, không phù hợp và nội dung phải gắn với bài giảng. Để thực hiện tốt phương pháp này giảng viên cần sưu tầm, nghiên cứu những câu chuyện, tình huống hay, phù hợp bên cạnh đó phải rèn năng khiếu kể chuyện của mình. Bằng phương pháp này sẽ tạo cho học viên có sự hưng phấn và khắc phục phần nào sự mệt mỏi, nhàm chán trong giờ học.

f. Khi lên lớp, giảng viên nên chú ý trang phục phải lịch sự và theo qui định của nhà trường (nếu có). Điều này cho thấy điểm khác nhau giữa thầy giáo và học viên và thể hiện sự tôn trọng của người thầy với người học.

- Với phương pháp hỏi – đáp, đây là phương pháp giúp phát huy tính tích cực của người học rất cao, hiệu quả. Đây là phương pháp khó, phức tạp vì nó thực hiện không theo một quy trình hay cố định từng bước mà đòi hỏi phải có vốn kỹ năng sư phạm, có sự linh hoạt, biết làm chủ lớp học của người giảng viên.  

Khi thực hiện phương pháp này cần lưu ý hai vấn đề: Cách đặt câu hỏi và thái độ ứng xử với học viên khi hỏi đáp.

Trước hết, về cách đặt câu hỏi với học viên:

Câu hỏi phải rõ ràng, dễ hiểu, phải làm sao cho người nghe hiểu được người hỏi muốn mình cần trả lời vấn đề gì? Có hai cách đặt câu hỏi:

Một, hỏi theo cách đúng, sai, vì sao? (đây là dạng câu hỏi đóng); hỏi theo hướng mở, trường hợp này có khi học viên khó trả lời, giảng viên cần nắm bắt ngay sự lúng túng mà gợi ý kịp lúc, gợi mở câu hỏi từ dễ đến khó, không để cho học viên từ chối câu trả lời.

Hai, khi hỏi không tập trung vào những vấn đề quá rộng hoặc phức tạp sẽ khiến học viên ngại phát biểu, giảng viên nên dành thời gian cho học viên suy nghĩ, do vậy nên đặt câu hỏi trước hãy mời học viên phát biểu, tránh trường hợp mời đứng lên sau đó mới đặt câu hỏi.

Không đặt câu hỏi sáo rỗng, không liên quan đến nội dung trao đổi, không bởn cợt, không hỏi cho có, hỏi nhưng không kết lại câu trả lời.

Thứ hai, thái độ ứng xử giữa người dạy và người học trong quá trình hỏi – đáp.

+ Phải hiểu được tâm lý người học để đặt câu hỏi, nếu học viên không trả lời câu hỏi được hoặc trả lời chưa đạt, nhầm lẫn…giảng viên nên có thái độ, lời nói khích lệ, động viên và phải giúp họ biết trấn tĩnh, biết nhận ra yêu cầu câu hỏi cần giải quyết với thái độ trân trọng, tế nhị.

+ Không mời một học viên phải trả lời nhiều câu hỏi giống như bị truy vấn, nên dành cơ hội trả lời cho các học viên khác.

+ Nên hỏi đều học viên, có nam, có nữ, có cán bộ lớp, có tổ viên. Khi hỏi cần cân nhắc thời gian học viên trả lời để cân đối thời gian bài giảng, tránh sa đà. Sau khi học viên trả lời, giảng viên phải neo chốt vấn đề, cái khéo của giảng viên là hạn chế phê phán hay kết luận người này nói đúng, người kia nói chưa đúng. Giảng viên nên nói rõ vấn đề cần giải quyết và bản thân học viên sẽ nhận định được đúng-sai, đó là cách ứng xử tế nhị, tránh sự thương tổn, mặc cảm của người học.

Với phương pháp hỏi - đáp rất cần kết hợp các phương pháp khác để bài giảng đạt mục tiêu đặt ra và người học cảm thấy thỏa mãn về lượng kiến thức thu nhận được.

Tóm lại, qua buổi hội thảo với nhiều ý kiến trao đổi, song điểm chung những ý kiến chính là sự thống nhất cao việc chuyển đổi phương pháp dạy học từ truyền thống sang hiện đại, xem đây  là nhu cầu cần thiết. Để thực hiện tốt phương pháp này phải có sự chủ động của thầy và tích cực học tập của trò. Người giảng viên trong môi trường chính trị hiện nay nên biết cung ứng cái người ta cần, phải bắt nhịp nội dung chương trình và bất kỳ người thầy giáo nào khi đứng trên bục giảng cần đảm bảo 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng; phương pháp giảng dạy; đạo đức người làm thầy.

Trên đây là một số nội dung mang tính chất thông tin, trao đổi qua buổi hội thảo khoa học về đổi mới phương pháp dạy học mà người tham dự đã ghi nhận được. Đây cũng là vấn đề mà các trường chính trị cùng thực hiện theo Quyết định số 1845/QĐ-HVCT-HCQG ngày 29/7/2009 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đó là “Thực hiện phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính tự giác, chủ động học tập của học viên trên cơ sở hướng dẫn, gợi mở của giảng viên; tăng cường thảo luận, giải quyết tình huống, tổ chức đi nghiên cứu thực tế”. Với tôi, muốn được thông tin những kinh nghiệm trên của giảng viên ở các trường bạn để một số giảng viên tham khảo, ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên nhà trường khi thực hiện chương trình mới hiện nay./.

Tin khác