Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 00:56

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người vận dụng sáng tạo tư tưởng C.Mác trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vào quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam

Thạc sĩ Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Khoa LLMLN, TT HCM
 
 
Những ngày tháng năm, hòa trong không khí hân hoan chào đón các ngày lễ lớn của dân tộc thì việc tưởng nhớ C.Mác đồng thời với việc nhận thức sâu sắc về sự vận dụng sáng tạo những tư tưởng của C.Mác và quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm thiết thực và hết sức trân trọng của các thế hệ chúng ta ngày hôm nay.

Trước hết, cần khẳng định giá trị lớn lao và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác không phải ở chỗ nó cung cấp những lời giải đáp cho mọi vấn đề của thực tiễn thế giới, mà ở chỗ nó chỉ ra quy luật vận động khách quan của xã hội, chỉ ra những nhiệm vụ lịch sử cần giải quyết để từng bước giải phóng các giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức, giải phóng con người và xã hội loài người điều đó đã được C.Mác thể hiện trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là tác phẩm do C.Mác-Ăngghen soạn thảo cuối năm 1847 và được xuất bản vào tháng 2-1848. Đây là tác phẩm đánh dấu sự hoàn thiện quá trình hình thành chủ nghĩa Mác trên tất cả các bộ phận cấu thành.

Tác phẩm tuy ngắn gọn, cô đọng nhưng nội dung phong phú, chân thực, đã trình bày một cách hết sức sáng sủa, rõ ràng về thế giới quan duy vật, đặt nền móng cho sự ra đời của chủ nghĩa duy vật biện chứng về mặt xã hội một cách triệt để và phép biện chứng duy vật với tư cách là một học thuyết toàn diện và sâu sắc nhất.

Tuyên ngôn có nhiệm vụ tuyên bố sự diệt vong không tránh khỏi của chế độ tư hữu tư sản hiện đại, và với mục đích công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của những người cộng sản để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản.

Trong tác phẩm này, C.Mác- Ph.Ăngghen đã chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản và cuộc cách mạng do giai cấp vô sản thực hiện. Tuy nhiên, hai ông cũng không hề phủ nhận vai trò lịch sử của giai cấp tư sản trong thời kỳ đầu. Giai cấp tư sản có công lao to lớn trong việc lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời, thối nát và tạo ra một chế độ xã hội mới cao hơn, nó đã xóa bỏ những tập quán, chuẩn mực hà khắc tồn tại như những sợi dây vô hình mà xã hội cũ (phong kiến) tạo ra để trói buộc con người. Nó đã “tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”. Đây là bước tiến lớn trong lịch sử nhân loại nhưng chủ nghĩa tư bản đã “không xóa bỏ được đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi”. Cùng với việc giải phóng con người khỏi những ràng buộc của xã hội phong kiến, giai cấp tư sản đã quàng lên họ sợi xích khắc nghiệt hơn – sợi xích nối liền giữa một bên là nhà máy với một bên là dạ dày của người lao động. Trong xã hội tư bản, mọi quan hệ đều được đo bằng thước đo giá trị của đồng tiền ngay cả quan hệ gia đình cũng chỉ là quan hệ tiền nong đơn thuần. Từ đó đã đẩy mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản phát triển đến đỉnh cao, tập trung vào mâu thuẫn duy nhất là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản.

Vì vậy, xã hội không thể tồn tại mãi dưới sự thống trị của giai cấp tư sản mà phải thủ tiêu nó đi. Ai là người có sứ mệnh lịch sử này? C.Mác- Ph.Ăngghen đã chỉ rằng, giai cấp vô sản là người có sứ mệnh “đào huyệt chôn giai cấp tư sản” và những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất là: Xóa bỏ chế độ tư hữu. Sứ mệnh này chỉ có thể thực hiện được thông qua cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản mà đỉnh cao là cuộc cách mạng xã hội của giai cấp vô sản tức cách mạng vô sản.

Tuyên ngôn đã chỉ rằng, đấu tranh giai cấp là vấn đề có tính quy luật trong xã hội có giai cấp “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp,…một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của cả hai giai cấp đấu tranh với nhau”.

Như vậy, giai cấp vô sản tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng với giai cấp tư sản “bắt đầu ngay từ lúc họ mới ra đời”. Cuộc đấu tranh đó diễn ra qua hai giai đoạn, từ tự phát đến tự giác, từ riêng lẻ đến toàn quốc, từ kinh tế đến chính trị. Khi cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đến đỉnh cao sẽ nổ ra cuộc cách mạng xã hội. Đó chính là cuộc cách mạng vô sản mà giai cấp vô sản tất yếu phải dùng bạo lực cách mạng để lật đổ giai cấp tư sản. Chính trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản đồng thời cũng “tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp, nghĩa là xóa bỏ tất cả các giai cấp trong xã hội”.

Do đó, C.Mác - Ph.Ăngghen đã chỉ rõ tính chất của cuộc cách mạng xã hội là cách mạng triệt để “Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất đối với những quan hệ sở hữu kế thừa của quá khứ; không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng kế thừa của quá khứ”. Điều này có nghĩa, cách mạng vô sản không thay thế giai cấp bóc lột này bằng giai cấp bóc lột khác, hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác mà xóa bỏ đối kháng giai cấp “xóa bỏ tất cả các giai cấp trong xã hội”. Song, tiến trình của cách mạng đó phải trải qua hai bước: Cách mạng về chính trị và cách mạng về kinh tế.

 Trước hết, cuộc cách mạng vô sản phải đánh đổ giai cấp tư sản và thiết lập chuyên chính vô sản. Trong tác phẩm này, Mác- Ăngghen chưa nêu ra khái niệm “chuyên chính vô sản” một cách hoàn chỉnh nhưng tư tưởng của hai ông đã thể hiện khá rõ ràng, C.Mác viết: “Bước thứ nhất, trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”, nhiệm vụ trước tiên là “giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp của dân tộc”.

 Đến tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850”, trên cơ sở phân tích và tổng kết kinh nghiệm của các cuộc cách mạng 1848-1850, lần đầu tiên C.Mác đã sử dụng khái niệm “Chuyên chính vô sản” với khẩu hiệu: Lật đổ giai cấp tư sản! Chuyên chính cách mạng của giai cấp công nhân.

Đồng thời, C.Mác khẳng định “chủ nghĩa xã hội khoa học là lời tuyên bố cách mạng không ngừng, là chuyên chính giai cấp của giai cấp vô sản, coi đó là giai đoạn quá độ tất yếu để đi đến xóa bỏ những sự khác biệt về giai cấp.

Tư tưởng này đã thể hiện bước phát triển mới so với “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, nó được thể hiện rõ ràng hơn nữa trong “Thư Mác gửi Vây-đơ-may-e” ngày 5-3-1852, C.Mác khẳng định: Đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản và bản thân chuyên chính vô sản chỉ là bước quá độ để xóa bỏ mọi giai cấp, tiến lên xã hội không còn giai cấp.

Bước phát triển tiếp theo của lý luận “chuyên chính vô sản” được C.Mác thể hiện trong việc giải quyết vấn đề thái độ của cách mạng vô sản, của giai cấp vô sản đối với bộ máy nhà nước tư sản. Về bản chất, nhà nước tư sản dù dưới hình thức quân chủ hay cộng hòa thì nó vẫn là nền chuyên chính của giai cấp tư sản, là chế độ chuyên chế không hạn chế của thiểu số đối với đa số quần chúng nhân dân lao động. Thế mà các cuộc cách mạng trước đó “đã hoàn bị bộ máy đó chứ không đập tan nó. Các chính đảng nối gót nhau đấu tranh giành chính quyền, đều coi việc đoạt lấy tòa lâu đài nhà nước đồ sộ ấy là chiến lợi phẩm chủ yếu của thắng lợi của mình”.

Với giai cấp vô sản thì không thể chiếm lấy và hoàn thiện bộ máy nhà nước đó mà tất yếu phải đập tan nó. Đó là điều kiện tuyệt đối để đảm bảo sự phát triển thắng lợi của cách mạng vô sản và sự nghiệp xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong lời tựa viết cho “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, Ph.Ăngghen cũng viết: Sau 20 năm nếu có thể bổ sung thì cái cần bổ sung đó chính là nguyên lý “giai cấp công nhân không thể chỉ nắm lấy bộ máy nhà nước sẵn có và bắt nó hoạt động phục vụ mình”.

Chính việc nhấn mạnh nguyên lý này C.Mác đã vũ trang cho giai cấp vô sản và chính đảng của họ một nguyên tắc có ý nghĩa lý luận và chính trị thực tiễn to lớn. Nó thể hiện bước phát triển lớn trong tư tưởng C.Mác-Ph.Ăngghen về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ “Tuyên ngôn” ra đời vào đêm trước của cách mạng 1848, cơ sở thực tiễn chưa đủ chín muồi để làm rõ nguyên lý trên.

 Tuy nhiên, thực tiễn cách mạng 1848 mới chỉ cho phép C.Mác nhận thức và kết luận: Giai cấp vô sản phải đập tan nhà nước thống trị cũ cả về bộ máy lập pháp lẫn bộ máy hành pháp, chưa nêu ra: Đập tan nhà nước cũ ở những phương diện nào? Lấy gì để thay thế nó? Phải chờ đến công xã Pari, qua thực tiễn của hình thức nhà nước vô sản đầu tiên ấy C.Mác mới có kết luận trả lời cho những câu hỏi trên một cách khoa học hơn.

Thứ hai, khi giai cấp vô sản giành lấy chính quyền thì cách mạng vô sản đã trở thành cuộc cách mạng về kinh tế, nhằm xóa bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Bởi nguyên nhân của mọi cuộc cách mạng xã hội đều bắt nguồn từ trong kinh tế, từ sự phát triển của lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa mâu thuẫn với quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Chính vì vậy, giai cấp vô sản phải đấu tranh giải quyết mâu thuẫn cả về mặt xã hội và về mặt kinh tế, mục đích cuối cùng là xóa bỏ chế độ tư hữu.

Ở đây, xóa bỏ chế độ tư hữu không có nghĩa là xóa bỏ sở hữu nói chung bởi không thể tồn tại một chế độ xã hội mà không dựa trên một chế độ sở hữu nào. Chủ nghĩa cộng sản “không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”.

Tuyên ngôn cũng đã chỉ rõ, cách mạng vô sản muốn thành công thì giai cấp vô sản phải biết tập hợp lực lượng cách mạng. Đây là nguyên tắc đoàn kết, nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Vì vậy, kết thúc bản Tuyên ngôn là một lời kêu gọi chiến đấu “vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Chỉ khi thực hiện lời kêu gọi đó, những người vô sản mới cởi bỏ những xiềng xích trói buộc mình, xây dựng một xã hội mới là một thể liên hiệp mà trong đó “sự phát triển của mỗi người là điều kiện phát triển tự do cho tất cả mọi người”.

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là bản cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là ngọn cờ tư tưởng soi sáng con đường đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người của giai cấp công nhân và các lực lượng tiến bộ xã hội. Đã 166 năm qua, dù trải qua những biến thiêng thăng trầm của lịch sử nhưng Tuyên ngôn của Đảng cộng sản vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận cũng như thực tiễn của nó.

Đối với cách mạng Việt Nam, có thể khẳng định chủ nghĩa Mác nói chung, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân .

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam có thể khẳng định trên các mặt sau:

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng về cách mạng vô sản của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về cách mạng không ngừng của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đối với việc đề ra đường lối của cách mạng Việt Nam.Làm tư sản dân quyền, cách mạng và thổ địa cách mạng rồi đi tới xã hội cộng sản”.

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng liên minh công- nông của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào thực tiễn tình hình của cách mạng Việt Nam. Công - nông là gốc của cách mạng, trí thức, học trò là bầu bạn của cách mạng.

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về thời cơ và tình thế cách mạng của C.Mác vào tình hình cách mạng Việt Nam.

Năm là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm về vai trò quần chúng nhân dân của C.Mác vào tình hình cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam mà trọng tâm chính là khối đại đoàn kết dân tộc. Người khẳng định “Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không chỉ sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, quần chúng còn là những người sáng tác nữa”.

Sáu là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo vấn đề dân tộc của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở Việt Nam. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”

Bảy là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo vấn đề xây dựng đảng cầm quyền của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. “Ðảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Tám là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về chuyên chính vô sản, nhà nước vô sản của C.Mác vào tình hình cách mạng Việt Nam, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp”. Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng của C.Mác về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội vào miền Bắc sau 1954. Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ về chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng về vấn đề dân chủ của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào việc thực hành dân chủ ở Việt Nam.

Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề tôn giáo của chủ nghĩa Mác vào việc giải quyết tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng như là tinh thần của những trạng thái xã hội không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm về vấn đề gia đình của C.Mác vào việc xây dựng gia đình ở Việt Nam.  Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.523).

Năm là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề con người xã hội chủ nghĩa của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa làm động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.310)

Sáu là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm về vấn đề văn hóa xã hội chủ nghĩa của C.Mác  vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra. Nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Bảy là, từ thực tế tình hình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo những giá trị lý luận và thực tiễn về đạo đức của C.Mác và đề ra những chuẩn mực về đạo đức cách mạng của người cộng sản. Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Tám là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tinh thần quốc tế vô sản của C.Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào cách mạng Việt Nam. “Quan sơn muôn dặm là nhà. Bốn phương vô sản điều là anh em”.

 “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là tác phẩm tổng kết toàn bộ quá trình hình thành chủ nghĩa Mác, không chỉ trình bày nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản khoa học mà còn trình bày những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, thế giới quan khoa học của giai cấp công nhân. Những nguyên lý đó đã và đang trở thành cơ sở cho chiến lược và sách lược của tất cả các Đảng mác-xít, V.I.Lênin cho rằng: Cuốn sách mỏng đó có giá trị bằng nhiều pho sách dày, toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh, cho đến ngày nay, sống và hoạt động nhờ có tinh thần của cuốn sách đó. Đây cũng chính là lời khẳng định của chúng ta hôm nay, khi sự nghiệp cách mạng nước ta dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang đạt được nhiều thắng lợi vẻ vang. 

Từ lý luận của chủ nghĩa Mác và tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam đã khẳng định trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt huyết, hết lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân tộc ta một hệ thống lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc, không chỉ góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi của dân tộc trong những năm qua mà còn có ý nghĩa chiến lược chỉ đạo lâu dài cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta trong những năm tiếp theo.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Người ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam và khẳng định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những giá trị lý luận và thực tiễn của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay với những thành tựu to lớn về lý luận và thực tiễn của gần 30 năm đổi mới càng khẳng định cơ sở vững chắc những giá trị lý luận và thực tiễn của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Người đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh Việt Nam là duy nhất đúng đắn. Chúng ta hiện nay hoàn toàn có đầy đủ tiền đề và điều kiện để biến những hoài bão to lớn, những ham muốn tột bậc của Người trở thành hiện thực chính là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Tin khác