Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 01:07

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là tấm gương mẫu mực về sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH cho các thế hệ con người Việt Nam nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng luôn được kế thừa và phát huy trong mọi hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Hệ thống tư tưởng của Người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội được hình thành và kiểm nghiệm của lịch sử đã minh chứng một cách sinh động Người là nhà hoạt động thực tiễn, nhà lý luận tiên phong về giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Có được hệ thống tư tưởng, cùng những giá trị thực tiễn ấy là quá trình bôn ba hơn ba mươi năm ra đi qua các châu lục nhằm tìm con đường cứu dân, cứu nước.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua nhưng những giá trị lý luận và thực tiễn về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

C.Mác nghiên cứu CNTB trong điều kiện tự do cạnh tranh cho rằng: Cách mạng vô sản sẽ nổ ra và giành thắng lợi ở những nước tư bản phát triển. Kế thừa và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác trong thời đại CNTB chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin khẳng định: Cách mạng vô sản có thể nổ ra và thắng lợi ở một số nước, thậm chí là một nước riêng lẻ của chủ nghĩa đế quốc (một mắt xích trong sợi dây chuyền). Thời V.I.Lênin, cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản và ông cho rằng cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc cần phải liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa. Trên góc độ của người thuộc địa, dân tộc bị áp bức, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng vô sản ở đây không phải chỉ là cuộc đấu tranh giai cấp mà là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân một phạm trù của cách mạng vô sản. Bởi vì mâu thuẫn chủ yếu của Việt Nam lúc bấy giờ là mâu thuẩn giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa thực dân Pháp. Điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Đây chính là sự vận dụng một cách tài tình, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cách mạng Việt Nam.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc đề ra đường lối của cách mạng Việt Nam.

Ngay trong Cương lĩnh 1930 do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đã khẳng định: Làm tư sản dân quyền, cách mạng và thổ địa cách mạng rồi đi tới xã hội cộng sản. Điều đó có nghĩa là sau khi làm xong tư sản dân quyền cách mạng đánh đổ thực dân Pháp xâm lược đem lại độc lập dân tộc. Làm thổ địa cách mạng là đánh đổ bọn phong kiến, địa chủ đem lại ruộng đất cho dân cày (sau này cả hai cuộc cách mạng cùng tiến hành song song ấy chúng ta gọi đó là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân) là đi lên CNXH tức là đi vào giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đây là điều hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc đề ra đường lối của cách mạng Việt Nam.

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng liên minh công -  nông của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn tình hình của cách mạng Việt Nam.

Sau khi Công xã Pari thất bại mà nguyên nhân chính là chưa thực hiện tốt liên minh công - nông, C.Mác từng khẳng định: Cách mạng vô sản là bài đồng ca của hai giai cấp công nhân và nông dân. Nếu không có bài đồng ca này thì bài đơn ca ở các quốc gia nông dân sẽ là bài ai điếu. Do vậy, trong các cuộc đấu tranh này, giai cấp công nhân luôn đơn độc và các cuộc cách mạng vô sản này đã trở thành "bài ca ai điếu". Điều đó đã lý giải một cách khoa học về vị trí và tầm quan trọng của vấn đề liên minh công - nông trong cuộc cách mạng vô sản.
Ngay cả trong chuyên chính vô sản, V.I.Lênin khẳng định: "Chuyên chính vô sản là một hình thức đặc biệt của liên minh giai cấp giữa giai cấp vô sản, đội tiên phong của những người lao động, với đông đảo những tầng lớp lao động không phải vô sản (tiểu tư sản, tiểu chủ, nông dân, trí thức, v.v.)”.
Trong một nước nông nghiệp đại đa số dân cư là nông dân thì vấn đề giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân là điều tất yếu. V.I.Lênin đặc biệt lưu ý khối liên minh công, nông trong các giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội: "Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính là duy trì khối liên minh giữa giai cấp vô sản và nông dân để giai cấp vô sản có thể giữ được vai trò lãnh đạo và chính quyền nhà nước". Qua khối liên minh này, lực lượng đông đảo nhất trong xã hội là nông dân, công nhân được tập hợp về mục tiêu chung là xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của toàn thể dân tộc. Đây là điều kiện để giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo, đó chính là tính tất yếu về mặt chính trị - xã hội, là yếu tố tiên quyết.
Vận dụng tư tưởng trên của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin, trong tác phẩm Đường Kách Mệnh (viết năm 1927) cũng như việc soạn thảo Cương lĩnh năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định: Công - nông là gốc của cách mạng, trí thức, học trò là bầu bạn của cách mạng.
Đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam dù trong đấu tranh giành độc lập dân tộc hay trong xây dựng và bảo vệ CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì liên minh công - nông - trí thức là nhân tố đóng vai trò quyết định. Điều đó đã chứng minh một cách hùng hồn rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng liên minh công - nông của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn tình hình của cách mạng Việt Nam.

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về thời cơ và tình thế cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cách mạng Việt Nam.

 Nếu như chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định về tình thế cách mạng:
Giai cấp thống trị không còn thống trị như trước nữa
Giai cấp bị trị không còn chịu sự thống trị như trước nữa
Tầng lớp trung gian đã đứng về phía giai cấp bị trị.
Thì tình thế và thời cơ cách mạng Việt Nam tháng Tám năm 1945 đã được Người vận dụng một cách sáng tạo.
Nhật đầu hàng đồng minh ngày 15 tháng 8 năm 1945. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào, tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, lập Uỷ ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau Đại hội Quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Năm là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm về vai trò quần chúng nhân dân của chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam mà trọng tâm chính là khối đại đoàn kết dân tộc.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, quần chúng nhân dân là những người sáng tạo nên lịch sử. Quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất vật chất, sản xuất các giá trị tinh thần, là lực lượng hùng hậu của các cuộc cách mạng xã hội.
Nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ tự do cạnh tranh, C.Mác khẳng định: Cách mạng là ngày hội của quần chúng nhân dân, những người bị áp bức, bất công, bị bóc lột.
Phát triển toàn diện chủ nghĩa Mác trong điều kiện CNTB chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin từng chỉ rõ: Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động.
Nghiên cứu về tình hình thực tế lúc bấy giờ, V.I.Lênin viết: Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và bị bóc lột. Không lúc nào quần chúng nhân dân có thể tỏ ra là người sáng tạo trật tự xã hội mới tích cực như trong thời kỳ cách mạng. Trong những thời kỳ như thế… thì nhân dân có thể làm được những kỳ công. Nhờ sức mạnh của quần chúng nhân mà thời kỳ cách mạng có một tính sáng tạo lịch sử rộng lớn hơn, phong phú hơn, tự giác hơn, có kế hoạch hơn, có hệ thống hơn, dũng cảm hơn và rõ ràng hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quần chúng nhân dân vào tình hình cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Người khẳng định: Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không chỉ sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, quần chúng còn là những người sáng tác nữa.
Bằng thực tiễn của ba cuộc tổng diễn tập trong 15 năm mà đỉnh cao là cách mạng Tháng Tám năm 1945 với cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, sức mạnh vĩ đại ấy chính là sức mạnh của quần chúng nhân dân.
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, những khó khăn trước tình thế nghìn cân treo sợi tóc của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, việc xây dựng, củng cố, gìn giữ chính quyền còn non trẻ, vượt qua bao sóng gió để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chín năm, những thành quả ấy thuộc về quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện…để có một chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ năm 1954, chấn động địa cầu đó cũng là thành quả cách mạng của quần chúng nhân dân; cuộc trường chinh chống Mỹ 21 năm sau với chiến thắng vang dội của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, thành quả cách mạng ấy quần chúng nhân dân là lực lượng quyết định.

Sáu là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo vấn đề dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở Việt Nam.

Khi nghiên cứu về CNTB ở điều kiện còn phát triển tự do cạnh tranh, bàn về vấn đề dân tộc, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tháng 2 năm 1848, C.Mác đã khẳng định: Hãy xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ.
Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo.
V.I.Lênin phát triển chủ nghĩa Mác trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, từ thực tiễn tình hình nước Nga, một nhà tù dân tộc, V.I.Lênin đã nêu lên Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa đây được xem như là cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Trên cơ sở Bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Bản Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của Pháp năm 1791, đồng thời kế thừa và phát huy các bản tuyên ngôn trong thời kỳ chống quân xâm lược Tống tại sông Cầu năm 1077 với bài thơ Nam quốc sơn hà; Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thời chống quân Minh xâm lược, Người đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 khẳng định tinh thần độc lập dân tộc và bản chất nhân dân của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Công hoà trước hàng triệu quốc dân đồng bào.
Thông qua lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19 tháng 12 năm 1946 và lời kêu gọi Toàn quốc chống Mỹ cứu nước năm 1967, một lần nữa Người khẳng định tinh thần độc lập dân tộc và bản chất nhân dân của cách mạng Việt Nam trong xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam tiến tới thống nhất đất nước với khẩu hiệu: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi. Đó chính là sự kế thừa và phát huy tinh thần độc lập dân tộc.

Bảy là,, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề xây dựng đảng cầm quyền của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong Di chúc của Người, khi nói về Ðảng, một lần nữa khẳng định: “Ðảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Theo tư tưởng của Bác Hồ và Ðảng ta từ trước đến nay, khái niệm Ðảng “nắm chính quyền” hay “cầm quyền” là đồng nghĩa với Ðảng lãnh đạo chính quyền.
Năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ viết: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Năm 1960, trong bài nói tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng, Người nhấn mạnh: “Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”.
Quan điểm xuyên suốt trong các tác phẩm của Bác là Ðảng (nói chung) và cán bộ, đảng viên (nói riêng) “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Muốn vậy, Ðảng và cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Năm 1953, trong thư gửi Lớp chỉnh Ðảng Liên khu 5, Bác viết: “Mục đích chỉnh Ðảng là để dùi mài cán bộ và đảng viên thành những chiến sĩ xứng đáng là người đày tớ của nhân dân”.
Năm 1968, làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Ðảng về việc xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”, Bác nói: “Một dân tộc, một Ðảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Tám là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về nhà nước vô sản vào tình hình cách mạng Việt Nam, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo Người là “Trong bầu trời không có gì quí bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta (1946) do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, ngay từ Điều 1 đã khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng một Nhà nước của dân “Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”.
Nhà nước của dân, do dân và vì dân không phải nhà nước siêu giai cấp mà là nhà nước do Đảng Cộng sản - Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
Nhà nước của dân, do dân phải là một nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật, thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Ngay từ những năm 1922, trong bài “Việt Nam yêu cầu ca” có 8 điều thì có một điều (Điều 7) Người viết:
“Bảy xin hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”
Theo Người: “Pháp luật là phép của dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”.
Tư tưởng nhà nước pháp quyền ở Hồ Chí Minh là lấy “nhân trị” kết hợp “pháp trị” và “đức trị”.
Nhà nước do dân bởi vì “lực lượng bao nhiêu là nhờ dân hết Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “dân như nước, mình như cá”; phải “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân…Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động”.
Nhà nước vì dân, Người chỉ rõ: Chế độ ta là chế độ dân chủ, nhân dân là chủ, Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân “Các công việc của chính phủ làm phải nhằm vào mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì tránh”.
Bác đã dạy rằng: Phải xây dựng một nền chính trị liêm khiết, kiên quyết đấu tranh với ba thứ giặc nội xâm là: tham ô, lãng phí, quan liêu.
Tóm lại, nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới - Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân là:
+ Nhà nước do nhân dân lập ra và thông qua tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu
+ Quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân là thống nhất nhưng có sự phân công, phân cấp và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận ở tất cả các cấp.
+ Hệ thống chính quyền địa phương với tính độc lập của Hội đồng nhân dân trên cơ sở quản lý của Chính phủ.
+ Một hệ thống tài chính mạnh mẽ, sáng suốt, và tập trung.
+ Một nền tư pháp với nguyên tắc độc lập xét xử của Toà án.
+ Một cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả do nhân dân thực hiện.
+ Một nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân.

Chín là, từ tình hình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo công tác vận động quần chúng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách đây hơn 60 năm, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật số ra ngày 15-10-1949.
Bài báo chỉ có 612 chữ, nhưng là một tác phẩm kinh điển, mẫu mực, là cẩm nang của cán bộ, đảng viên trong công tác vận động quần chúng hiện nay và mai sau.
Với bài báo ấy, người đọc dù ở trình độ nào cũng hiểu. Bác đã dùng cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu để làm rõ một số vấn đề cơ bản của công tác dân vận.
Mở đầu bài báo, Bác viết: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng cho nên cần phải nhắc lại”. Tiếp đó Bác Hồ đề cập, lý giải 4 vấn đề cơ bản, quan trọng và rất thiết thực trong công tác dân vận:

Thứ nhất, tiền đề, cơ sở của công tác dân vận: Nước ta là nước dân chủ “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”; “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”, “Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”; “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra”; “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”; “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Thứ hai, dân vận là gì? “Dân vận là động viên tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”.
 Sau định nghĩa ngắn gọn, dễ hiểu về dân vận, Bác Hồ chỉ ra 4 bước quan trọng, nhất thiết phải làm trong công tác dân vận.
1. Phải “tìm mọi cách làm cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: việc đó có lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.
2. Làm “bất cứ việc gì cũng đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”.
3. Phải “theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân”.
4. “Khi làm xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Thứ ba, “Ai phụ trách dân vận?”. “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách Dân vận”. Bác Hồ lưu ý “Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”.

Thứ tư, “Dân vận phải thế nào?”. Bác Hồ chỉ rất rõ những người làm công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”. Sau đó, Bác chỉ ra “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc Dân vận. Cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm Dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”. Cuối cùng, Bác Hồ kết thúc bài báo bằng một câu mang tính chân lý: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng những điều Bác Hồ nói trong bài báo vào công tác dân vận hiện nay. Ở mọi miền đất nước, tất cả cán bộ, đảng viên đều thực hiện tốt 6 thao tác như điều Bác dạy đó là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng, nói, tay làm” thì công tác dân vận chắc chắn đạt hiệu quả cao.

Từ lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam đã khẳng định trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt huyết, hết lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân tộc ta một hệ thống lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc, không chỉ góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi của dân tộc trong những năm qua mà còn có ý nghĩa chiến lược chỉ đạo lâu dài cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta trong những năm tiếp theo.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Người ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam và khẳng định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những giá trị lý luận và thực tiễn của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ CNXH ở Việt Nam hiện nay với những thành tựu to lớn về lý luận và thực tiễn của hơn 25 năm đổi mới càng khẳng định cơ sở vững chắc những giá trị lý luận và thực tiễn của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam mà Người đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam là duy nhất đúng đắn. Chúng ta hiện nay hoàn toàn có đầy đủ tiền đề và điều kiện để biến những hoài bão to lớn, những ham muốn tột bậc của Người trở thành hiện thực chính là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

                                                                                                 Nguyễn Thành Phương
    Trường Chính trị Bến Tre

 

 

 

 

 

 

Tin khác