Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 21:29

Nhớ về Trường Đảng Trần Trường Sinh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1960-1975)

Đồng chí Vũ Hồng Thanh
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 

Sau cuộc Đồng khởi năm 1960 vùng giải phóng Bến Tre được mở rộng, khí thế cách mạng dâng cao, tổ chức Đảng và các đoàn thể nhanh chóng phát triển, khí thế cách mạng và quyền làm chủ của Nhân dân càng mạnh mẽ hơn. Trước yêu cầu bức xúc cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng kịp với thực tiễn tình hình, cuối năm 1960 Tỉnh ủy đã cho chủ trương thành lập lại Trường Đảng và lấy tên là Trường Trần Trường Sinh - tên người cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Trường Đảng, đã cống hiến nhiều công lao cho công tác đào tạo cán bộ cho Đảng bộ tỉnh trong những năm đầu và đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Trường bắt đầu khai giảng lớp tập trung đầu tiên vào đầu năm1960 ở Thạnh Phú. Do yêu cầu cấp bách cần đáp ứng nhanh hơn cho đào tạo cán bộ kịp đà phát triển của phong trào, Tỉnh ủy cho lập thêm một khung trường thứ hai ở Bình Đại. Đến cuối năm 1963, vùng giải phóng được tiếp tục mở rộng thêm và liên hoàn ở nhiều xã trong toàn tỉnh, trường bắt đầu dời về 2 huyện Mỏ Cày và Giồng Trôm  để việc tập trung học viên gần hơn, đỡ tốn thời gian. Từ đó, Trường luôn bám trụ ở các xã thuộc 2 địa bàn này, một vài lần dời đến huyện Chợ Lách và chỉ dời về Thạnh Phú, Bình Đại trong những thời điểm cần thiết.

Về chương trình giảng dạy ngắn, thường từ nửa tháng đến một tháng. Nội dung phần lý luận cơ bản gọi là “chủ nghĩa cộng sản sơ giải” tóm lược nội dung cơ bản ngắn gọn, chỉ cung cấp cho người học những kiến thức cốt lõi về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và khẳng định con đường tất yếu của lịch sử nhân loại là chủ nghĩa cộng sản. Nội dung chủ yếu là đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam; phương pháp cách mạng, công tác vận động, tập hợp quần chúng và đạo đức cách mạng. Trong nội dung cấu tạo cũng rất linh hoạt theo từng thời điểm, và phù hợp theo đối tượng chiêu sinh, nhằm đáp ứng kịp thời với thực tiễn tình hình và yêu cầu công tác. Phương châm đào tạo là thiết thực, hiệu quả, học gắn với hành. Trong giảng dạy và thảo luận, đề cao liên hệ thực tế, liên hệ bản thân. Kết thúc lớp học có thu hoạch cá nhân. Qua đó, nhà trường và tổ chức quản lý làm cơ sở đánh giá cán bộ sau này. Mặt khác, thông qua quá trình học nhà trường đã đề xuất xin giữ lại số học viên có năng khiếu để bồi dưỡng, đào tạo thành giảng viên cho trường và giới thiệu về các Trường Đảng huyện. Phần lớn sau khi học xong học viên có tiến bộ rõ về nhận thức và năng lực thực tiễn. Do đó, Tỉnh ủy rất quan tâm, duy trì công tác đào tạo của trường trong mọi tình huống và luôn chọn cán bộ, giảng viên đưa đi tập huấn các lớp do khu 2 (Trung Nam bộ) và R (Trung ương cục) triệu tập, kịp thời cập nhật kiến thức và nâng cao nghiệp vụ giảng dạy.

Cường độ chiến tranh ngày càng ác liệt, nhất là từ khi Mỹ đưa quân viễn chinh vào xâm lược miền Nam. Càng ác liệt hơn, sau xuân Mậu thân 1968, địch phản kích lấn chiếm quyết liệt, cán bộ giảng viên, nhân viên và học viên trường đã phải chịu nhiều hy sinh tổn thất, địch đánh trúng điểm nhiều lần, trường vẫn duy trì mở lớp liên tục trong điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ, thiếu thốn. Lúc này, Trường phải xây dựng nhiều điểm dự phòng và liên tục cơ động. Trong những năm đầu khi mở lớp, trường chỉ có cán bộ, giảng viên, riêng nhân viên bảo vệ, y tế, chị nuôi (cấp dưỡng) là do huyện điều tới tăng cường. Kể từ cuối năm 1963, khung trường biên chế đủ bảo vệ, y tế, chị nuôi, có lúc tăng cường thêm nhân viên đánh máy. Tuy có phân công nhiệm vụ rạch ròi nhưng quá trình hoạt động thì từng thời điểm tất cả đều phải tập trung cho công việc chung. Ví dụ: Khi xây dựng căn cứ mới tất cả phải lo xây cất trường, đào các loại hầm hào tránh bom pháo, HBM ẩn  tránh khi địch càn quét, cho cả cán bộ nhân viên trường và học viên…

Tôi có 2 lần, xem như kỷ niệm không thể nào quên đối với Trường Đảng Trần Trường Sinh.

Lần thứ nhất, nhân tiện đi công tác gần, tôi đến thăm trường, đang đóng tại xã Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam). Lúc này chỉ có các đồng chí chí Bảy Phúc (bảo vệ) và Sáu Hùng (y tá) ở trường, lớp học vừa kết thúc đang chờ học viên tập trung cho lớp mới. Bất ngờ sáng sớm hôm sau, ngày 26/6/1970 địch đổ quân càn quét vào điểm trường. Trong lúc chúng tôi di chuyển khỏi địa bàn, đã đụng phải một cánh quân của tiểu đoàn 401 Bảo an tỉnh. Địch nổ súng quyết liệt, bắn xối xả vào đội hình chúng tôi. Không may, đồng chí Bảy Phúc bị trúng đạn gãy một cánh tay, cùng 3 đồng chí ở đơn vị khác cũng bị thương, may mà không có ai hy sinh.

Lần thứ hai, tôi đang ở tại trường, lúc này đang đóng tại rừng lá An Nhơn (Thạnh Phú). Sáng sớm ngày 28/10/1971 địch đã ném 1 quả bom 7 tấn (bom BLU- 82 có trọng lượng 6.800 kg, bom tự kích nổ khi vừa chạm mặt đất, bom không tạo thành hố, nhưng sức công phá cực kỳ lớn, có thể phát hoang cây cối trong phạm vi 100.000m2), may mắn không trúng ngay trường mà chu vi công phá cách trường khoảng 50m. Bom vừa nổ xong, rồi đưa trực thăng đến bắn phá dữ dội, rồi đổ quân xuống lùn sục xung quanh hố bom. May mắn nữa là trường vừa kết thúc lớp học tập trung thứ hai, có gần 70 học viên đã ra trường, chỉ còn 3 đồng chí do kẹt đường dây, chưa đi được đang ở lại với cán bộ nhân viên khung trường. Bị đánh bất ngờ, nhưng nhờ kịp vào hầm, luôn cảnh giác và ngụy trang lối vào căn cứ rất cẩn thận, địch không phát hiện, tất cả đều an toàn.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi xâm lược Mỹ, 30/4/1975 miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, sau 117 năm (1858-1975) trong đêm trường nô lệ, đến nay đã 45 năm. Trường Cán bộ Việt Minh, sau này là Trường Đảng Trần Trường Sinh và nay là Trường Chính trị Bến Tre được thành lập đến nay đã 74 năm (7/3/1947 - 7/3/2021). Trường Đảng Trần Trường Sinh trong kháng chiến chống Mỹ đã tồn tại 15 năm (1960-1975) đã vượt qua bao gian lao thử thách trong cuộc đọ sức với kẻ thù mạnh nhất, hung bạo, ngoan cố và nhiều âm mưu thủ đoạn nhất để tồn tại. Trường đã mở trên 200 lớp cho hàng nghìn cán bộ theo chương trình cơ sở và sơ cấp, đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, góp phần cho tỉnh cùng cả nước giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Kỷ niệm 74 năm ngày thành lập, ôn lại truyền thống vẻ vang của Trường, công lao to lớn của đồng chí Trần Trường Sinh, của đội ngũ cán bộ giảng viên, nhân viên Trường Cán bộ Việt Minh thời chống Pháp, các đồng chí Trần Trường Sinh, Lê Hoài Đôn, Dương Xân Trọng,… đã hy sinh lâu rồi; các đồng chí lãnh đạo, giảng viên Trường Đảng Trần Trường Sinh, thời chống Mỹ, nay nhìn lại cũng không còn được bao nhiêu người, nhưng tên tuổi họ vẫn còn sống mãi trong sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng của Trường chúng ta. Cuộc đời và hoạt động của các đồng chí đi trước đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho các thế hệ học viên của một thời đầy gian lao thử thách và trong lòng mỗi người chúng ta đang sống hiện nay.

Bản thân mình, phấn đấu chịu đựng hy sinh gian khó, giữ vững lập trường, trung thành với dân, với Đảng trong chiến tranh là không phải dễ, làm cán bộ giảng dạy để người khác noi theo gương mà phấn đấu lại càng khó hơn, nhưng các thế hệ đi trước đã làm được. Ngày nay, nối tiếp truyền thống năm xưa, trong điều kiện mới, thử thách mới, cán bộ giảng viên Trường Chính trị, từ lương tâm và trách nhiệm đòi hỏi mỗi người chúng ta phải không ngừng phấn đấu góp phần xứng đáng với truyền thống vẻ vang của nhà trường có bề dày 74 năm lịch sử vẻ vang.

Tin khác