Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ sáu, 26 Tháng 4, 2024 - 02:39

Nhớ công lao to lớn của đồng chí Trần Trường Sinh - Thế hệ giảng viên trẻ Trường Chính trị phấn đấu học tập, rèn luyện không ngừng để trở thành người giảng viên vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ

CN. Hồ Thị Thùy Dung
Giảng viên tập sự Khoa Lý luận cơ sở
 

Đồng chí Trần Trường Sinh (1914-1951), quê quán tại xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Bí danh Việt Hùng, bút hiệu Lê Khanh. Vào Đảng năm 27 tuổi, tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội, Hải Phòng, bị địch bắt và đưa vào giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Vì là tù chính trị án nặng nên đồng chí bị đày ra nhà tù Côn Đảo trước năm 1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được giải phóng khỏi nhà tù, tình nguyện ở lại chiến đấu tại chiến trường Nam bộ, tham gia Tỉnh ủy Bến Tre năm 31 tuổi. Năm 1947-1948, Tỉnh ủy chủ trương mở Trường Cán bộ Việt Minh, đồng chí Trần Trường Sinh được Tỉnh ủy tin tưởng giao trọng trách làm giám đốc. Đồng chí giám đốc đầu tiên của Trường Cán bộ Việt Minh tỉnh Bến Tre - đồng chí Trần Trường Sinh là một trong những người đầu tiên khi Đảng ta giành được chính quyền có công lớn trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh Bến Tre sau này.

Nhớ công lao to lớn của đồng chí Trần Trường Sinh - người giám đốc đầu tiên của Trường Cán bộ Việt Minh tỉnh Bến Tre. Là một giảng viên tập sự đang trong quá trình phấn đấu để trở thành giảng viên chính thức của Trường Chính trị Bến Tre (tiền thân là Trường Cán bộ Việt Minh), tôi nhận thức rằng mình cần phải phấn đấu học tập và rèn luyện không ngừng để trở thành người giảng viên vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ để có đủ năng lực, trình độ gánh vác sự nghiệp cách mạng của nhà trường, phấn đấu không ngừng để xứng đáng với công lao to lớn của biết bao thế hệ cha ông đi trước đã dày công xây đắp.

Những trang sử hào hùng của quê hương Bến Tre Đồng khởi ghi lại, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Trần Trường Sinh là một cán bộ giảng dạy lý luận Mác-Lênin rất xuất sắc, được ví như là một ngôi sao sáng trong giai đoạn cách mạng của tỉnh nhà còn non trẻ. Mặc dù học Pháp không nhiều, không có một bằng cấp ghi nhận, nhưng bằng tư chất thông minh, tinh thần cách mạng quả cảm cùng với chính trường đời và trường đại học lao tù đã đào tạo đồng chí Trần Trường Sinh thành một tài năng xuất sắc về chính trị, lý luận kể cả sự hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, báo chí. Trong ghi chép và hồi ức của các đồng chí đã từng công tác, học tập ở Trường Cán bộ Việt Minh nhận xét rằng Thầy Trần Trường Sinh “thật là một bậc thầy mà chúng tôi hay gọi là ông thầy giáo đỏ”[1]. Giáo án, đề cương bài giảng, Thầy luôn có sẵn trong đầu, chỉ cần ngồi nói cho hai người trợ lý để đánh máy không phải viết sẵn, nói một mạch đánh một mạch là xong. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi đọc lại các đề cương bài giảng ai nấy đều phải thán phục lôgic của vấn đề và tính hợp lý mà Thầy nêu lên để giảng dạy. Trên diễn đàn hay bục giảng, Thầy có chuẩn bị tài liệu nhưng không bao giờ cần phải nhìn hay phải đọc lại tài liệu trong khi diễn giảng. Thầy giảng một cách mạch lạc, lưu loát, không thừa chữ, không thiếu câu, rất ít vấp văn phạm, trọng âm rất rõ ràng, dễ hiểu và bắt buộc người nghe phải chú ý, phải nhớ lấy. Phong cách và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị của Thầy đã khẳng định được cái tâm, tầm của một người chiến sĩ cách mạng xuất sắc - những cánh chim đầu đàn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị của Bến Tre lúc bấy giờ.

Chúng tôi - thế hệ giảng viên trẻ của Trường Chính trị Bến Tre, những con người may mắn được thừa hưởng thành quả cách mạng to lớn mà biết bao thế hệ tiền nhân đi trước như Thầy Trần Trường Sinh, Thầy Lê Hoài Đôn và các thế hệ cán bộ giảng viên nhà trường,… đã hy sinh xương máu, cống hiến cả cuộc đời mà dày công gầy dựng. Được sống trong hòa bình, được thừa hưởng nền giáo dục tiên tiến, được nhận sự ưu đãi, quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng của các thế hệ lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ. Vậy mà có lúc những người trẻ như chúng tôi lại trở nên tự mãn, tự hài lòng với những bằng cấp (những kiến thức lý luận) mà bản thân có được, có đôi lúc thiếu sự ham học hỏi, thiếu tinh thần cầu thị, thái độ học hỏi nữa vời vì nghĩ rằng những gì mình biết là đủ. Trong suy nghĩ và hành động lại e ngại, né tránh việc gắn lý luận vào thực tiễn. Đôi lúc lại thiếu sự rèn luyện về đạo đức, không chú ý giữ gìn chuẩn mực tác phong, tư cách của người Thầy giáo Trường Chính trị. Đó là những suy nghĩ và hành động sai lầm, có thể dẫn đến sự tàn lụi và hủy hoại đi những phẩm chất quý báu đáng trân trọng của người Thầy, Cô giáo Trường Đảng. Gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong tương lai.

Xuất phát từ thực trạng trên, việc ôn lại truyền thống vẻ vang của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Đảng trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ của tỉnh nhà. Khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của các thế hệ tiền bối nói chung, đồng chí Trần Trường Sinh nói riêng đối với công tác giáo dục của tỉnh Bến Tre là việc làm cần thiết, mang ý nghĩa thiết thực. Từ đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ - thế hệ giảng viên trẻ Trường Chính trị noi theo và tiếp tục sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhà ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, có ý chí vươn lên, phấn đấu học tập và rèn luyện không ngừng để trở thành người giảng viên vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ. Đủ năng lực, trình độ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Theo tôi để trở thành một người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ không phải chỉ học tập, rèn luyện trong thời gian ngắn mà làm được. Mà đây là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ, có kế hoạch khoa học phù hợp với vị trí công tác và chuyên môn được phân công với một niềm đam mê nhiệt huyết với nghề. Để có thể phấn đấu trở thành một người giảng viên vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ trong công tác giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị Bến Tre hiện nay, thế hệ giảng viên trẻ nhất là giảng viên đang trong thời gian tập sự cần phải thực hiện các giải pháp như sau:

Thứ nhất, phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Điều tiên quyết và quan trọng nhất người giảng viên Trường Chính trị cần phải có đó chính là sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Bởi vì, giảng dạy lý luận chính trị nhằm mục đích trang bị, bồi dưỡng cho học viên đạo đức cách mạng, lối sống chuẩn mực và phong cách làm việc khoa học. Do đó, giảng viên phải là người có đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh, mẫu mực, trung thực và là tấm gương sáng về sự trung thành tuyệt đối vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng và dân tộc. Là một giảng viên trẻ, giảng viên đang trong thời gian tập sự thì yêu cầu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức càng phải được đặt lên hàng đầu, cần sự nỗ lực phấn đấu tu dưỡng và rèn luyện không ngừng. Như Bác Hồ đã từng dạy: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[2].

Thứ hai, không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn vững vàng.

Trong thực hiện giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, yêu cầu người giảng viên giảng dạy mỗi bài, phần học, chuyên đề phải đầu tư nghiên cứu sâu về lý luận và thực tiễn nội dung của các vấn đề, đảm bảo tính khoa học, tính đảng và tính thực tiễn. Nhất là đối với giảng viên trẻ, giảng viên đang trong thời gian tập sự, yêu cầu này phải được thực hiện để đáp ứng được trình độ chuyên môn vững vàng. Bởi vì, nếu thiếu kiến thức chuyên sâu giảng viên khó có thể lập luận, lý giải, thuyết phục được người học về những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các môn khoa học khác. Đồng thời, không đủ sức đấu tranh bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách đúng đắn trong điều kiện mới. Nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Muốn có được trình độ chuyên môn vững vàng, thế hệ giảng viên trẻ cần phải được đào tạo căn bản và phải chủ động cập nhật, lĩnh hội kiến thức tổng hợp ở các lĩnh vực khác. Ở đây, cần đề cao tinh thần và ý chí tự học, bài học mà Thầy Trần Trường Sinh đã noi gương cho tất cả chúng ta bằng chính cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của người. Trình độ chuyên môn vững vàng và kiến thức tổng hợp rộng là điều kiện cần để nghiên cứu tốt và giảng dạy chất lượng, hiệu quả. Do đó, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu sâu nâng cao kiến thức chuyên ngành, gần ngành, liên ngành và rèn luyện kỹ năng sư phạm là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giảng viên trẻ, giảng viên đang trong thời gian tập sự. Là điều kiện, là nền tảng để xây dựng một thế hệ giảng viên trẻ Trường Chính trị Bến Tre vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ.

Thứ ba, nỗ lực học tập, rèn luyện phương pháp giảng dạy lý luận chính trị.

Khi người giảng viên đã có một trình độ chuyên môn vững vàng thì yêu cầu thứ hai xuất hiện là phải có phương pháp giảng dạy, truyền thụ kiến thức sao cho có hiệu quả. Phương pháp giảng dạy của giảng viên quyết định quan trọng đến chất lượng học tập của học viên và là nhân tố quyết định kết quả của cả quá trình đào tạo. Một thực trạng chung của các giảng viên trẻ, giảng viên tập sự khi mới được đứng lớp thường rơi vào tình trạng chưa thực hiện thành thạo phương pháp, xác định sai đối tượng trung tâm của quá trình giảng dạy. Điều này có nghĩa là giảng viên còn thiếu kinh nghiệm, chưa áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng người học, phương pháp giảng nặng về truyền tải kiến thức lý luận một chiều (giảng viên tham kiến thức, lý luận suông), thiếu kiến thức, liên hệ vận dụng thực tiễn, dành ít thời gian cho học viên thảo luận, trao đổi ý kiến,… Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người học và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của học viên.

Vì vậy, việc rèn luyện phương pháp giảng dạy lý luận chính trị chính là việc người giảng viên trẻ lựa chọn phương pháp truyền tải kiến thức đúng đối tượng, hiệu quả, tạo tâm thế hứng khởi lan tỏa đến từng học viên qua từng tiết giảng. Việc rèn luyện phương pháp giảng dạy này cần một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện, xin ý kiến góp ý từ Hội đồng khoa học nhà trường và ý kiến của Thầy, Cô đi trước. Đồng thời, cũng phải quan sát, tiếp nhận ý kiến phản hồi từ người học, để đánh giá khách quan hiệu quả của phương pháp giảng dạy đang áp dụng.

Cần lưu ý rằng không có một phương pháp giảng dạy vạn năng cho tất cả giảng viên áp dụng được với mọi đối tượng học viên trong từng phần học. Vì vậy, giảng viên trẻ, giảng viên tập sự cần tránh sự học tập, áp dụng rập khuôn phương pháp của người khác. Tùy vào nội dung kiến thức, đối tượng học viên, tình hình khách quan mà sử dụng những phương pháp cho phù hợp, có thể sáng tạo nhưng phải đảm bảo tính khoa học, tính Đảng và tính thực tiễn. Đảm bảo giữ được vị trí trung tâm của cả người dạy và người học trong quá trình lên lớp. Tạo được sự hứng khởi của cả hai chủ thể để tạo được hiệu quả cao nhất của quá trình nghiên cứu, giảng dạy và học tập lý luận chính trị.

Thứ tư, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế.

Giảng viên trẻ phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế tổng kết thực tiễn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cụ thể như: Viết bài, đưa tin phục vụ trang Website nhà trường, trang Website Tỉnh ủy; chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tập thông tin lý luận và thực tiễn; viết bài tham luận tọa đàm cấp khoa, cấp trường, cấp học viện (khi được phân công); sinh hoạt khoa học,… Qua đó, từng bước tiếp cận và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế tổng kết thực tiễn của nhà trường.

Chúng ta cũng cần lưu ý trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế giảng viên trẻ phải tích cực tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu khác nhau với những nội dung đa dạng, phong phú liên quan gần gũi trực tiếp đến chuyên ngành phụ trách giảng dạy. Lựa chọn, tiếp cận nghiên cứu tài liệu do địa phương nơi nghiên cứu thực tế cung cấp, hoặc trên các phương tiện truyền thông được kiểm chứng xác thực tin cậy, tạp chí, ấn phẩm khoa học. Bên cạnh đó, cần trao đổi, chia sẻ thông tin khoa học với lãnh đạo, đồng chí, đồng nghiệp, khi gặp những vấn đề mới, khó, nhạy cảm,… để không ngừng rèn luyện, trau dồi kỹ năng phân tích, tổng hợp.

Thứ tư, chủ động nghiên cứu, học tập, thực hiện các nhiệm vụ khác khi được phân công.

Là một giảng viên Trường Chính trị không chỉ thực hiện các nhiệm vụ chính như giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế tổng kết thực tiễn mà còn phải thực hiện các công việc hành chính nội bộ của khoa, phòng của các tổ chức đoàn thể, chi đoàn, công đoàn khi được phân công. Vì vậy, với tư cách là một giảng viên trẻ, mỗi người cần phải có tính năng động, sáng tạo, tinh thần cầu thị, ham học hỏi, không ngại khó, ngại khổ để khi nhận được nhiệm vụ phân công có thể nhận trách nhiệm và hoàn thành tốt công việc được giao.

Để giúp cho các giảng viên trẻ, giảng viên trong thời gian tập sự có thể hoàn thành các nhiệm vụ khác khi được phân công. Thì mỗi cá nhân cần phải chủ động học hỏi, nghiên cứu thể thức văn bản, các nội quy, quy chế, quy định của nhà trường và các lĩnh vực có liên quan để tránh những sai sót không đáng có trong thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, để có thể phấn đấu học tập, rèn luyện không ngừng để trở thành người giảng viên vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, xứng đáng là người giảng viên Trường Chính trị Bến Tre, thế hệ giảng viên trẻ, giảng viên tập sự của nhà trường cần phải thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn vững vàng; nỗ lực học tập, rèn luyện phương pháp giảng dạy lý luận chính trị; tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; chủ động nghiên cứu, học tập, thực hiện các nhiệm vụ khác khi được phân công.

Nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, vai trò và những đóng góp to lớn của người Thầy, người đồng chí Trần Trường Sinh đối với công tác giác dục lý luận chính trị của tỉnh Bến Tre khiến tôi càng khâm phục, nể trọng biết ơn sâu sắc một con người cộng sản hiến thân cho cách mạng, vào tù ra tội, sinh Bắc tử Nam, trọn vẹn một tấm gương hy sinh xả thân vì dân vì nước. Nhớ công lao to lớn của Thầy, chúng tôi những giảng viên trẻ của Trường Chính trị Bến Tre, nguyện một lòng đoàn kết phấn đấu, nỗ lực học tập rèn luyện không ngừng để xứng đáng là người giảng viên giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, đủ đức đủ tài gánh vác nhiệm vụ chính trị to lớn mà Đảng, Nhân dân, tổ chức tin tưởng trao cho người Thầy Trường Đảng.

 


[1] Lịch sử Trường Chính trị Bến Tre (1947-2017), Bến Tre, 2017, tr. 137;

[2] Hồ Chí Minh:  Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 612.

Tin khác