Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 03:21

Nhãn quan chính trị vượt thời đại và lối tư duy độc lập, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam

ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là tấm gương mẫu mực về nhãn quan chính trị vượt thời đại và lối tư duy độc lập, sáng tạo của Người trong quá trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Đồng thời bằng lối tư duy độc lập, sáng tạo, bản lĩnh trí tuệ và hoạt động thực tiễn của mình, Bác đã cống hiến cho cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam những đóng góp mang tầm vóc thời đại.

1. Nhãn quan chính trị của Bác vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước cùng thời những năm đầu thế kỷ XX.

Chủ nghĩa yêu nước chân chính cùng với ý chí bất khuất và bản lĩnh trí tuệ vượt thời đại cùng những thất bại của các xu hướng cứu nước lúc bấy giờ chính là động lực trực tiếp để Bác ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, hình thành cho mình nhãn quan chính trị vượt thời đại vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước cùng thời những năm đầu thế kỷ XX.

Đi nhiều nơi, làm nhiều việc, tiếp xúc nhiều đối tượng đã giúp Bác tổng kết thực tiễn hình thành, phát triển nhãn quan chính trị vượt thời đại của Người.

Đi sang ngay nước Pháp tìm đến thực chất của khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng tư sản Pháp đó là nhãn quan chính trị vượt thời đại của Bác vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước những năm đầu thế kỷ XX.

Khảo nghiệm các cuộc cách mạng tư sản Mỹ (1776) và cách mạng tư sản Pháp (1789), Người rút ra nhận xét:“Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Bởi vậy: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”.(Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN, 2002, tập 9, tr 314)

Đi theo con đường của V.I.Lênin, của cách mạng tháng mười Nga 1917 thì mới giải phóng dân tộc: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 304)

Chọn lựa chủ nghĩa Mác-Lênin làm học thuyết cách mạng nhất và chân chính nhất nhằm giải phóng dân tộc, khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức, đó là nhãn quan chính trị vượt thời đại của Bác vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước những năm đầu thế kỷ XX.

2. Lối tư duy độc lập, sáng tạo của Bác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.

Bằng lối tư duy độc lập, sáng tạo, bản lĩnh trí tuệ và hoạt động thực tiễn của mình, Bác đã cống hiến cho cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam những đóng góp mang tầm vóc thời đại

- Chủ trì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một lối tư duy độc lập, sáng tạo của Bác. Sau khi tìm được con đường đúng đắn để cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề cơ bản về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

Từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930, tại Hương Cảng, Hồng Kông, Trung Quốc diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế cộng sản chủ trì. Tại Hội nghị đã thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) khẳng định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là “Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.1, 3, 539). Đó chính là mục đích chiến lược của con đường cách mạng Việt Nam mà cả thế kỷ XX và ngày nay Đảng, Nhân dân ta luôn trung thành và kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới được giữ vững, nhân dân lao động mới được giải phóng thực sự. Đó cũng chính là chân lý thời đại mà cách đây 101 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được ở chủ nghĩa Mác-Lênin trên hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân của mình.

- Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đã vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam với lối tư duy độc lập, sáng tạo.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Hai là, Người đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo lý luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc đề ra đường lối của cách mạng Việt Nam. Năm 1959, Người đã khái quát: Cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, Bác đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng liên minh công - nông của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn tình hình của cách mạng Việt Nam.

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về thời cơ và tình thế cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cách mạng Việt Nam.

Năm là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo quan điểm về vai trò quần chúng nhân dân của chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam mà trọng tâm chính là khối đại đoàn kết dân tộc với khẩu hiệu: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công đại thành công. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.119).

Sáu là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo vấn đề dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.10).

Bảy là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề xây dựng đảng cầm quyền của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.( Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, trang 497)

Tám là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về nhà nước vô sản vào tình hình cách mạng Việt Nam, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Chín là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo công tác vận động quần chúng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dân vận là gì?; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?. Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Muốn vậy cán bộ làm công tác dân vận phải: Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. 

- Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, Người đã vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam với lối tư duy độc lập, sáng tạo.

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin về thời kỳ quá độ đi lên CNXH vào miền Bắc sau 1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Phải tạo ra những điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất; đồng thời, Đảng phải lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội,... tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8. Nxb Chính trị quốc gia. H, 2011. Tr.329)

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng về vấn đề dân chủ của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc thực hành dân chủ ở Việt Nam. Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đên Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.t6, tr.515)

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề tôn giáo của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc giải quyết tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Người đã viết: Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân . Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, cho xã hội. Nếu nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy. Người chủ trương Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. (Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 325)

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm lý luận về vấn đề gia đình của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng gia đình ở Việt Nam. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tháng 01-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình.

Năm là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề con người XHCN của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng con người mới XHCN làm động lực xây dựng CNXH ở Việt Nam. Tháng 8-1961, nói chuyện với Hội nghị bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc nhằm quán triệt nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III, Người đã đưa ra một luận điểm quan trọng và khẳng định: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm về vấn đề văn hóa XHCN của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bảy là, từ thực tế tình hình cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo những giá trị lý luận và thực tiễn về đạo đức của chủ nghĩa Mác-Lênin và đề ra những chuẩn mực về đạo đức cách mạng của người cộng sản. Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.292.)

Người đưa ra bốn chuẩn mực đạo đức: Trung với nước hiếu với dân; Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung và ba nguyên tắc rèn luyện: Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Xây đi đôi với chống. Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

- Những sáng tạo của Bác đã cống hiến cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, cho hệ thống xã hội chủ nghĩa và các Đảng anh em trong quan hệ quốc tế đã minh chúng cho lối tư duy độc lập, sáng tạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tinh thần quốc tế vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng Việt Nam. Quan Sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em; Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, trang 558) 

3. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân ta tiếp tục hiện thực hóa con đường mà Bác đã chọn, khẳng định nhãn quan chính trị vượt thời đại và lối tư duy độc lập, sáng tạo của Người đã phát huy giá trị trong thời đại mới.

Kết thúc thắng lợi vĩ đại của cách mạng giải phóng dân tộc năm 1975, hơn 50 năm phấn đấu thực hiện, điều mong muốn cuối cùng của Bác trong Di chúc giờ đã trở thành hiện thực: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới năm 1986 cùng với những thắng lợi của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng của Người được chúng minh trong thời kỳ đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng tiếp tục khẳng định con đường phát triển của dân tộc Việt Nam là đi lên chủ nghĩa xã hội; khẳng định mục tiêu lớn của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là bởi vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.

Thắng lợi của Đại hội XIII, năm 2021, năm có nhiều sự kiện lịch sử in đậm dấu ấn trọng đại của dân tộc. Đại hội XIII khẳng định: Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá.

Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó không chỉ là mục đích duy nhất của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam mà còn là chân lý phổ biến cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột, cho loài người tiến bộ trên thế giới.

Dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới nhằm xác định vai trò lãnh đạo trực tiếp của Đảng trong nhiệm kỳ mới.

Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 về kinh tế, xã hội, môi trường; 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030; 6 nhiệm vụ trọng tâm; 3 đột phá chiến lược nhiệm kỳ Đại hội XIII lý luận với tư cách soi đường, chỉ đạo cho hành động cải tạo hiện thực trong những năm tới đây nhằm tránh chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Tất cả những thành tựu to lớn của dân tộc mang tầm vóc thời đại ấy, đánh dấu bước trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự vận dụng và phát huy sáng tạo nhãn quan chính trị vượt thời đại và lối tư duy độc lập, sáng tạo của Bác trong quá trình tìm đường cứu nước, cứu dân xưa kia giờ đây đã phát huy giá trị trong thời đại mới./.

Thông tin phản bác: 

Tin khác