Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 29 Tháng 3, 2024 - 02:40

KẾT LUẬN TỌA ĐÀM

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí!

Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của đồng chí Trần Trường Sinh (17/4/1951-17/4/2021), Trường Chính trị Bến Tre tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Những đóng góp của đồng chí Trần Trường Sinh đối với sự nghiệp giáo dục lý luận, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng bộ tỉnh Bến Tre” nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Đảng trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh nhà. Khẳng định vai trò và những đóng góp của đồng chí Trần Trường Sinh đối với công tác giáo dục lý luận chính trị của tỉnh Bến Tre, góp phần giáo dục các thế hệ trẻ noi theo và tiếp tục sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhà ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, có ý chí vươn lên, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Với vai trò và ý nghĩa to lớn đó, các đại biểu được mời viết tham luận và thành viên của nhà trường được phân công đã tích cực nghiên cứu trên tinh thần trách nhiệm cao và sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, các ý kiến tham luận đã tập trung phân tích, khẳng định:

Một, Trường Đảng trong những ngày đầu thành lập và vai trò người đứng đầu của đồng chí Trần Trường Sinh. Nhằm đào tạo cán bộ quy mô lớn, phục vụ theo yêu cầu cuộc kháng chiến, ngày 7/3/1947, Tỉnh ủy chủ trương mở lớp đào tạo tập trung và thành lập Trường Cán bộ Việt Minh tại xóm Bần Mít, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, do Trần Trường Sinh làm Giám đốc, là trường đào tạo cán bộ đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre. Việc thành lập Trường Cán bộ Việt Minh tỉnh Bến Tre năm 1947 và sau đó chuyển thành Trường Đảng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác huấn luyện, đào tạo của Đảng bộ Bến Tre. Lần đầu tiên Đảng bộ tổ chức được trường lớp có quy củ, chương trình và nội dung giảng dạy rất căn cơ, đội ngũ giảng viên chuyên trách được đào tạo và có trình độ lý luận nhất định. Đây cũng là một khung trường huấn luyện chính trị của Đảng ra đời sớm ở các tỉnh Khu 8 và là tiền thân của Trường Đảng, Trường Chính trị sau nầy. Là Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng tỉnh, “Thầy Trần Trường Sinh là một cây lý luận giỏi nhất tỉnh, được thử thách từ nhà tù Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng 8, không về quê nhà Miền Bắc mà ở lại Bến Tre tiếp tục làm cách mạng…”. Đồng chí Trần Trường Sinh mãi là tấm gương sáng về người cộng sản chân chính, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng ở những giai đoạn gian khổ nhất, là thế hệ thầy giáo Trường Đảng đặt nền móng thành lập và hoàn thiện: Khung trường chính quy, Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, khoa học đã góp phần hình thành nên đội ngũ cán bộ cốt cán, lãnh đạo thắng lợi các phong trào cách mạng trên quê hương Đồng Khởi anh hùng.

Hai, đồng chí Trần Trường Sinh với công tác Tuyên huấn của tỉnh Bến Tre. Căn cứ vào nhiệm vụ công tác tuyên huấn giai đoạn 1946-1949 là thông tin tuyên truyền, báo chí, văn nghệ, làm công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ cho các huyện và các ngành tỉnh, có thể khẳng định đồng chí Trần Trường Sinh là người cán bộ lãnh đạo Tuyên huấn đầu tiên, đặt nền tảng cho công tác tuyên huấn của Tỉnh ủy Bến Tre từ thời kỳ sơ khai, là một cán bộ giảng dạy lý luận Mác-Lênin xuất sắc, nổi bật với phong cách nói, viết, tổ chức trường lớp trong mọi hoàn cảnh khác nhau thiết thực, đơn giản, hiệu quả, sâu sắc và đặc biệt là giảng dạy với tinh thần rất say sưa. Những cán bộ tham gia Ban Tuyên huấn đầu tiên của Tỉnh ủy Bến Tre hầu hết do đồng chí Trần Trường Sinh đào tạo trong những năm 1946-1948. Đồng chí là một trong những người có công lớn đào tạo cho Bến Tre một thế hệ cán bộ mà sau này phần đông là những cán bộ chủ chốt của tỉnh và các huyện.

Ba, ý chí đấu tranh kiên cường của người cộng sản Trần Trường Sinh trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đồng chí Trần Trường Sinh vào Đảng năm 27 tuổi, ra tù và tham gia Tỉnh ủy Bến Tre năm 31 tuổi, hy sinh năm 37 tuổi. Đồng chí là Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng tỉnh và là một trong những “người huấn luyện” có công lớn đào tạo cán bộ cho Đảng bộ Bến Tre, một thế hệ mà phần lớn sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo của tỉnh. Hoạt động trong điều kiện khó khăn trong kháng chiến hay sống gian khổ trong cảnh tù đày, đồng chí Trần Trường Sinh luôn nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất - khí tiết của người chiến sĩ cộng sản trước kẻ thù và luôn lạc quan, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Trải qua những năm bị tù đày trong lao tù đế quốc, hết xà lim Hỏa Lò đến “địa ngục trần gian” Côn Ðảo, biết bao hình phạt tàn khốc của kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được “con người thép” - người chiến sĩ cộng sản, người thầy giáo lý luận Trần Trường Sinh mà càng “trui rèn” cho “chất thép” ấy càng sáng chắc hơn. Ý chí kiên cường, hiên ngang, bất khuất của đồng chí - thầy giáo Trần Trường Sinh đã trở thành tấm gương của ý chí và nghị lực phi thường của các thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bốn, những đóng góp của đồng chí Trần Trường Sinh trong sự nghiệp giáo dục lý luận, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng bộ Bến Tre, giai đoạn 1945-1951. Từ Côn Đảo về công tác tại Bến Tre, đồng chí Trần Trường Sinh được phân công phụ trách công tác Tuyên huấn, cụ thể là tổ chức xuất bản báo, tuyên truyền và mở các lớp huấn luyện chính trị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phong trào. Đầu năm 1946, đồng chí Trần Trường Sinh mở các lớp bồi dưỡng cán bộ ngắn ngày và trực tiếp giảng dạy, đến cuối năm 1947, trường mở được 3 lớp, đào tạo gần 200 cán bộ cho cấp tỉnh và chủ chốt cho cấp huyện. Từ cuối năm 1948, Tỉnh ủy chủ trương mở các lớp khảo huấn cho cán bộ Đảng các ngành tỉnh và huyện, đồng chí Trần Trường Sinh tiếp tục được giao làm nhiệm vụ này. Đồng chí đã mở các lớp tại các địa bàn vùng tự do (giải phóng) như xã Phước Hiệp, Bình Khánh (Mỏ Cày Nam), Phước Long (Giồng Trôm). Trải qua 74 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Bến Tre đã đào tạo, liên kết đào tạo 289 lớp, với 21.915 học viên và 786 lớp bồi dưỡng, 70.165 học viên, thông qua nhiều loại hình đa dạng, phong phú, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của từng chức danh và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý.

Năm, Trần Trường Sinh - một tài năng xuất sắc về lý luận chính trị, kể cả văn hóa, nghệ thuật, báo chí. Tuy không phải xuất thân từ thành phần trí thức, được học hành khoa cử, nhưng thực tiễn đấu tranh cách mạng, trường “Đại học” lao tù, cùng vốn tư chất thông minh, có tài hùng biện và ý chí phấn đấu kiên cường của người cộng sản đã biến đồng chí Trần Trường Sinh trở thành một tài năng xuất sắc về chính trị, lý luận, kể cả sự am tường và sắc sảo về văn hóa, nghệ thuật, báo chí,... Trong giảng dạy, đồng chí Trần Trường Sinh thường không sử dụng tài liệu soạn sẵn trên giấy, mà thuyết trình một cách lưu loát, sinh động, không sai ngữ pháp, thừa thiếu từ ngữ, vừa lôi cuốn, thuyết phục người nghe, vừa dễ hiểu, dễ nhớ. Đó chính là khả năng thuyết trình thích ứng với mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, linh hoạt trước mọi tình huống với phương châm, nguyên tắc dĩ bất biến, ứng vạn biến hoàn toàn phù hợp với nhu cầu quần chúng nhân dân, với tình hình cách mạng miền Nam trong thời điểm ấy.

Với chương trình học gồm những nội dung chính về tình hình thế giới, tình hình trong nước và cách mạng Việt Nam; chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; giai cấp, đấu tranh giai cấp và vai trò của chính Đảng;… đòi hỏi người dạy phải có năng lực chuyên môn tốt, nội dung tri thức sâu, rộng; phương pháp truyền đạt linh thông, kiến thức thực tiễn phong phú, đa dạng,… thì mới đảm bảo tính thuyết phục cao, thu phục lòng tin tuyệt đối của người học.

Trưởng thành từ nhà tù của thực dân, đế quốc, đồng chí Trần Trường Sinh được bồi dưỡng kiến thức qua các lớp đào tạo cán bộ tuyên huấn, báo chí từ những đồng chí ở chung nhà tù là cán bộ lãnh đạo của Đảng và chính hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng, trường “Đại học” lao tù, cùng với vốn tư chất thông minh, có tài hùng biện và ý chí phấn đấu kiên cường của người cộng sản đã biến đồng chí Trần Trường Sinh trở thành một tài năng xuất sắc về chính trị, lý luận, kể cả sự am tường và sắc sảo về văn hóa, nghệ thuật…

Trần Trường Sinh - một nhà giáo giỏi lý luận và phương pháp sư phạm lôi cuốn, thuyết phục người nghe. Trích theo lời của đồng chí Nguyễn Hữu Minh trong bài viết nhớ nguồn, tập 2 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 1993 rằng: “Trần Trường Sinh học pháp không nhiều. Anh có nói: Tôi không có bằng cấp nào cả. Nhưng trường đời và trường đại học lao tù đã đào tạo anh thành một tài năng xuất sắc về chính trị, lý luận kể cả sự hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, báo chí. Kiến thức và năng khiếu diễn giảng của anh thật tuyệt vời. Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở tỉnh nhà anh là một ngôi sao. Bài vở anh ngồi nói miệng cho anh An và anh Cường đánh máy không phải viết sẵn, nói một mạch đánh máy một mạch là xong. Trên diễn đàn hay bục giảng anh có để xấp tài liệu cả dàn bài nữa, nhưng không bao giờ anh bị câu thúc phải dòm hoặc đọc lại tài liệu. Anh nói một mạch, mạch lạc, lưu loát, không thừa chữ, không thiếu câu, rất ít vấp văn phạm, trọng âm rất rõ ràng dễ hiểu và buộc người nghe phải chú ý, phải nhớ lấy”[1].

Điều đáng nói ở Thầy là từ bài giảng đến phương pháp giảng rất hay, rất thu hút người nghe, nội dung bài rất logic; quan trọng hơn là học viên của Thầy trình độ không đồng đều (có đồng chí học cỡ thành chung-Diplôm, có đồng chí sơ học-Cepci), nhưng khi đọc các đề cương bài giảng của thầy đều thán phục vì tính lôgic của vấn đề và tính hợp lý của bài giảng mà thầy đã nêu lên trong quá trình giảng dạy. Chính vì vậy, mọi người lúc bấy giờ gọi thầy là “ông thầy giáo đỏ”. Thầy Trần Trường Sinh là một trong những người có công rất lớn trong việc đào tạo cho Đảng bộ Bến Tre một thế hệ cán bộ ưu tú. Chính các đồng chí được đào tạo sau này là những con chim đầu đàn của các ngành trong tỉnh. Một người con của Đảng với bầu nhiệt huyết cùng với tài năng, đức độ đã mãi để lại tên tuổi cho thế hệ hôm nay ở Bến Tre một sự cảm phục; một con người chỉ biết hiến thân cho cách mạng, vào tù ra tội, sinh Bắc tử Nam, trọn vẹn một tấm gương hy sinh, xả thân vì giai cấp và nhân dân của người cộng sản. Một người thầy dạy lý luận Mác-Lênin xuất sắc mà thế hệ sau cần phải học tập và noi theo...

Nhớ công lao to lớn của đồng chí Trần Trường Sinh - Thế hệ giảng viên trẻ Trường Chính trị phấn đấu học tập, rèn luyện không ngừng để trở thành người giảng viên vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, nguyện một lòng đoàn kết phấn đấu, nỗ lực học tập rèn luyện đủ đức, đủ tài gánh vác nhiệm vụ chính trị to lớn mà Đảng, Nhân dân, tổ chức tin tưởng trao cho người Thầy Trường Đảng.

 

[1] Lịch sử Trường Chính trị Bến Tre 1946-2017, lưu hành nội bộ, Bến Tre 2017, tr. 137.

Tin khác